Đề nghị luật hóa vấn đề phản biện xã hội

Sáng nay, 12-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Một trong những nội dung được các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến là vấn đề phản biện xã hội, giám sát xã hội.
Đề nghị luật hóa vấn đề phản biện xã hội

(SGGPO).- Sáng nay, 12-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Một trong những nội dung được các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến là vấn đề phản biện xã hội, giám sát xã hội.

Tại tờ trình luật này, Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết đa số ý kiến cho rằng Luật không nên quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, mà nên quy định trong các văn bản của Đảng.

Đại biểu Trần Khắc Tâm. Ảnh: Lã Anh

Thẩm tra dự án luật này, đa số ý kiến của Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng tán thành với dự thảo Luật không quy định việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. Song cũng nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội”, đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Vì vậy, Luật cần bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

Thảo luận về vấn đề này, sáng nay ý kiến các ĐBQH vẫn còn khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy phần lớn ĐB mong muốn luật MTTQ sửa đổi sẽ bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. Ngoài đồng tình quy định vào Luật, theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), việc giám sát, phản biện xã hội là thực hiện quyền làm chủ của dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vì thế không nên giới hạn chỉ giám sát, phát biện với các dự thảo, mà cần phải phản biện cả những chủ trương, chính sách đã ban hành nhưng bộc lộ những sơ hở, chưa phù hợp. Đây cũng là ý kiến của một số ĐB khác.

ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị, không chỉ cần luật hóa mà phải có hướng dẫn cụ thể, cách thức tiến hành phản biện xã hội để có hiệu quả.

Là Ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, làm công tác mặt trận ở địa phương, ĐB ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, ở địa pương giám sát, phản biện không dễ. Vì vậy, nếu luật hóa nội dung này sẽ giúp cho mặt trận làm tốt vai trò này. “Hoạt động phản biện xã hội phải chủ động, tích cực; không để các cơ quan Đảng, Nhà nước yêu cầu mới phản biện vì như vậy không hiệu quả. Vì sẽ ít ai chủ động mời MTTQ phản biện. Vì vậy, cần có cơ chế để MTTQ chủ động phản biện xã hội khi thấy vấn đề nổi lên.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) nêu, ngoài giám sát, phản biện, MTTQ phải chú trọng nhiệm vụ góp phần xây dựng Đảng, làm sao để Đảng ta ngày càng vững mạnh, trong sạch.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, phát triển phải thông qua đấu tranh, giải quyết các mâu thuẫn. “Nhưng mâu thuẫn là để xây dựng, không được vì mục đích chia rẽ đại đoàn kết toàn dân, mất trật tự xã hội. Không được lợi dụng phản biện xã hội để bôi nhọ, xúc phạm tổ chức cá nhân; chia rẽ khối đoàn kết, kích động, phá hoại trật tự an toàn xã hội. Tránh tư tưởng hành chính hóa trong phản biện xã hội, ví dụ không nên chỉ phản biện khi có yêu cầu, mà MTTQ phải chủ động. Đảng đã có quy chế, nhân dân đều tán thành đưa vấn đề này quy định trong luật”, ông Nghĩa nói.

“Tôi làm mặt trận thì sợ nhất câu làm chung chung như mặt trận. Đề nghị sau giám sát, phản biện phải có xử lý kết quả. Vậy thì phải nêu rõ cơ chế để phản biện”, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói. Theo ĐB Lê Văn Lai, dự thảo luật nêu khi có yêu cầu thì MTTQ mới tiến hành phản biện xã hội. “Như vậy là  phản biện theo kịch bản. Còn từ trước tới nay, MTTQ có những kiến nghị để thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nếu giám sát, phản biện mà chỉ như kiến nghị hiện nay MTTQ đã làm (thu thập thông tin, gửi kiến nghị) thì phải xem lại”, ông Lai thẳng thắn.

Tuy nhiên, cũng có một số ĐB cho rằng, không nên quy định nội dung này vào luật mà chỉ nên quy định ở các văn bản của Đảng.


Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục