(SGGPO).- Ngày 27-10, dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Nội quy kỳ họp Quốc hội, dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đã được Quốc hội cho ý kiến.
Cơ quan thi hành án hành chính nên thuộc Tòa án
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tại hội trường, các ĐBQH đã bày tỏ chính kiến về nhiều vấn đề như: phạm vi giải quyết của tòa án nhân dân đối với các vụ việc hành chính; vai trò của viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong tố tụng hành chính, thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm vụ án hành chính…
Liên quan đến những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành quy định như dự thảo, để tránh sự dàn trải, can thiệp quá sâu của tòa án; trong khi ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) vẫn còn băn khoăn: “Tôi cho rằng các hành vi hành chính mang tính nội bộ nhiều khi không phải chỉ là quyết định chỉ đạo điều hành trong đơn vị, mà còn liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ công chức viên chức. Đề nghị Luật quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện hành chính, theo đó đã là quyết định hành chính thì đều được quyền khởi kiện ra tòa để bảo đảm tính toàn diện và quyền của công dân”.
Thẳng thắn nhận định rằng, hiện vẫn “có không ít cán bộ bảo thủ”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho biết, trong kỳ lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tố tụng hành chính của Đoàn ĐBQH Hà Nội, có một chánh án TAND cấp huyện đã phản ánh nếu qui định cho TAND cấp huyện xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và người đứng đầu UBND cấp huyện thì không khả thi, vì trong thực tế, nếu bản án tuyên là “quan thắng dân” thì không sao, nhưng khi HĐXX tuyên “quan thua dân”, thì lập tức thẩm phán đó dù có năng lực, trình độ, được quy hoạch cũng rất khó được đề bạt, thậm chí phải chuyển công tác đến địa bàn khác. ĐB Chu Sơn Hà đề nghị nên quy định TAND cấp tỉnh xét xử quyết định hành chính của TAND cấp huyện. Đồng thời, ĐB Chu Sơn Hà cũng đề nghị bổ sung quy định, chế tài để đảm bảo việc thi hành án.
Chia sẻ nỗi lo lắng như ĐB Chu Sơn Hà, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Thi hành án hành chính mà giao cho Bộ Tư pháp như trong Luật này là không ổn, vì đối tượng phải thi hành án (nếu “quan thua dân” – PV) là cơ quan công quyền, bộ này bộ khác, như thế có thể vướng mắc”. Lưu ý rằng quy định tại dự thảo về vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài là hơi sơ lược, sơ hở, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị nêu rõ theo hướng căn cứ giải quyết vụ án là các Công ước quốc tế mà Việt Nam và các nước liên quan là thành viên; các hiệp định song phương, cam kết đơn phương (nếu có), thông lệ quốc tế và nguyên tắc có đi có lại…
Về vai trò của viện kiểm sát nhân dân, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, giống như trong tố tụng dân sự, trong tố tụng hành chính viện kiểm sát chỉ làm công tác kiểm sát tư pháp chứ không phải tham gia xét xử, do đó việc phát biểu về nội dung giải quyết án trước khi tòa án ra bản án là không hợp lý. “Tóm lại, nói là viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng cũng được, nhưng là để kiểm sát tư pháp mà thôi”, ĐB nhấn mạnh.
Theo dự kiến, dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: LÃ ANH
Có chế độ thỏa đáng cho lực lượng đặc công, chiến đấu viên
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Đồng tình cao với việc sửa đổi Luật, song ĐB Nguyễn Văn Hưng (TPHCM), Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM còn băn khoăn: “Với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng thì có hai đầu mối quản lý, tuyển chọn và tuyển dụng khác nhau là cơ quan cán bộ và quân lực. Cần làm rõ luật này áp dụng cho đối tượng thuộc đầu mối nào quản lý”. Ghi nhận việc dự thảo Luật đã có nhiều quy định đãi ngộ tốt hơn, song ĐB Nguyễn Văn Hưng trăn trở: “Độ tuổi phục vụ của chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm quy định dự thảo (35 – 40 tuổi) là hợp lý, đảm bảo đủ sức khỏe phục vụ, nhưng sau khi hết hạn phục vụ thì họ làm gì; đào tạo, bố trí công tác cho họ theo hướng nào? Lực lượng này lại khá đông, nghỉ ở tuổi đó rất lỡ dở, phải tính cho anh em”.
ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM), Phó Tư lệnh Quân khu 7 đồng tình với nhiều quan điểm của ĐB Nguyễn Văn Hưng. Ông nói thêm: “Tôi thấy Luật chưa nêu rõ đối tượng tuyển chọn, tuyển dụng vào lực lượng quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là từ quân đội hay sinh viên, học viên tốt nghiệp từ các trường ngoài quân đội”.
Tăng hàm lượng tranh luận trong hoạt động nghị trường
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhiều ý kiến ĐB đề nghị thay đổi trình tự, thủ tục xem xét, thông qua các dự luật để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. ĐB Võ Thị Dung đề nghị: “Cần có thêm phần tranh luận trước khi Quốc hội thông qua các dự án luật. vì nhiều khi ý kiến góp ý rất nhiều, nhưng việc giải trình, tiếp thu còn hạn chế”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, cần bổ sung vào Nội quy quy định biểu quyết về tất cả những điều khoản còn nhiều ý kiến khác nhau trước khi biểu quyết thông qua toàn văn Luật, để đảm bảo tính chính xác, thể hiện ý kiến của đa số trong mọi điều khoản.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề: “Đừng nên quá câu nệ thời gian đặt câu hỏi của ĐBQH vì mặc dù phải cố nói ngắn, nhưng đôi khi chỉ đặt câu hỏi mà không giải thích thì người được hỏi cũng không hiểu hết vấn đề”.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đưa ra một đề xuất khá táo bạo: “Đề nghị tại mỗi kỳ họp dành một buổi để QH chất vấn trực tiếp người đứng đầu Chính phủ. Vì có rất nhiều vấn đề mà Quốc hội mong muốn được Thủ tướng trả lời thấu đáo hơn. Ý kiến Thủ tướng luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhưng không đủ thời gian”. Cùng với mục tiêu “gia tăng hàm lượng tranh luận trong hoạt động nghị trường”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng tại mỗi phiên họp toàn thể nên dành 1/3 thời lượng để tranh luận rốt ráo về vấn đề được bàn, người tranh luận được quyền phát biểu nhiều lần, thay vì quy định “không phát biểu hai lần về cùng một nội dung” như dự thảo Nghị quyết.
ANH PHƯƠNG