(SGGPO).- Chiều 16-10, bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 3 luật về thuế gồm Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế và thực hiện theo quy trình rút gọn, thông qua tại một kỳ họp của Quốc hội.
“Nội dung sửa không nhiều, việc sửa đổi nhằm kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng. cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Phùng Quốc Hiển nhận định.
Cụ thể, về sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Cũng liên quan đến thuế GTGT, trường hợp trong quá trình đầu tư, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục tiêu thành đầu tư trường học, bệnh viện thì không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn cho dự án đầu tư”.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS thấy rằng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà Nhà nước đang thực hiện xã hội hóa, khuyến khích đầu tư là cần thiết. Do đó, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép việc không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn nếu các Dự án chuyển đổi mục đích đầu tư sang các lĩnh vực mà Nhà nước đang khuyến khích, thực hiện chính sách xã hội hóa, như chuyển đổi đầu tư cho trường học, bệnh viện...
Về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, cơ quan thẩm tra cũng cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000 cm³ và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2000 cm³. Quy định như Dự thảo luật sẽ góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ô tô.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế suất thuế TTĐB đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ khuyến khích người dân sử dụng xe tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông trong nước và đảm bảo tính cạnh tranh về mặt bằng thuế suất tương đương với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, Ủy ban TCNS lưu ý, việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với xe ô tô chở người chạy bằng điện từ 16 đến 24 chỗ ngồi từ 10% xuống 0% là chưa hợp lý, vì trong khi tất cả các dòng xe khác đều đang phải chịu thuế TTĐB. Do vậy, đề nghị không điều chỉnh mức thuế suất của dòng xe ô tô này xuống 0%, mà chỉ nên điều chỉnh mức thuế suất từ 10% xuống 5%.
Góp ý về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị, bên cạnh các dự án đầu tư trường học, bệnh viện, cần bổ sung thêm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vào diện không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn cho dự án để khuyến khích lĩnh vực này. Tuy cũng đồng ý về sự cần thiết phải sửa các luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải có phải có tầm nhìn xa, đừng chỉ sửa luật để đáp ứng yêu cầu cho một giai đoạn ngắn cụ thể.
Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu đánh giá tác động của dự luật một cách toàn diện hơn, đối với ngân sách, sản xuất trong nước và bảo vệ môi trường.
ANH PHƯƠNG