(SGGPO).- Sáng 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về phân bổ ngân sách trung ương cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Qua thẩm tra phương án phân bổ do Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, về cơ bản, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đã rà soát, cắt giảm vốn sự nghiệp, điều chỉnh phương án phân bổ vốn hợp lý hơn.
Về các dự án cụ thể, Ủy ban lưu ý đến dự án thứ 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, dự án “Thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên thuộc ba lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai” trị giá 33 tỷ đồng.
Chính phủ dự kiến bố trí cho tỉnh Thái Nguyên 15 tỷ đồng và tỉnh Đồng Nai 15 tỷ đồng để thu gom, xử lý nước thải thành phố, 3 tỷ đồng cho Văn phòng ban chỉ đạo.
Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, với tình trạng ô nhiễm gia tăng ở cả 3 lưu vực sông, nếu chỉ xử lý nước thải đô thị thì mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề, quan trọng là phải chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật xả thải chưa qua xử lý từ các khu, cụm công nghiệp tập trung, các làng nghề trên lưu vực sông.
Về phương án phân bổ cụ thể, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, với nguồn lực hạn chế, cần thiết phải bố trí vốn tập trung để hoàn thành dứt điểm một lưu vực sông. Do đó, đề nghị chỉ bố trí vốn tập trung cho việc xử lý ô nhiễm hệ thống sông Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân hoặc chuyển toàn bộ số kinh phí này sang bố trí vốn cho xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Phát biểu tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, trong điều kiện nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia rất hạn hẹp, việc phân bổ vốn cần quán triệt những nguyên tắc ưu tiên: lựa chọn dự án có tính thí điểm để nhân rộng; dự án thật sự bức xúc, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân; bố trí vốn đối ứng để thu hút vốn viện trợ ODA.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý: “Với số tiền vài chục tỷ đồng thì dù có tập trung xử lý sông Đồng Nai cũng không đủ. Do đó chỉ nên chọn một vài đầu việc để làm, cố gắng dứt điểm trong năm 2013-2014. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu, khoản tiền cắt giảm được (gần 61 tỷ đồng) từ chi sự nghiệp nên dành để trồng rừng ven biển thay vì đầu tư vào xây dựng đê biển, vì như thế cũng chỉ như muối bỏ biển”.
Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Để các dự án trong Chương trình thực sự có hiệu quả lâu dài, chúng tôi luôn yêu cầu địa phương đề xuất dự án cần thiết nhất, chuẩn bị vốn đối ứng và có cam kết bằng văn bản về việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình sẽ làm”.
Theo kết luận phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án phân bổ do Chính phủ trình. Bà yêu cầu việc thực hiện dự án phải bám sát các nguyên tắc mà cơ quan thẩm tra đã nêu rõ. Nếu các địa phương đã có dự án trồng rừng thì dành khoản tiền tiết kiệm được từ giảm chi sự nghiệp cho trồng rừng.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
ANH PHƯƠNG