Để nghĩa tình sưởi ấm Trường Sơn

Không thể lãng quên
Để nghĩa tình sưởi ấm Trường Sơn
  • Gần 50 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” 

Tối 15-9, tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM), Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức gala phát động chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” bằng một đêm giao lưu - văn nghệ đầy xúc động. Đến dự chương trình có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Đức Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Phó Chính ủy Quân khu 7; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM; Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đại diện các sở, ban ngành, các doanh nghiệp, cán bộ chiến sĩ các đơn vị quân đội trên địa bàn TPHCM…

Các đồng chí lãnh đạo và khán giả tham dự chương trình. Ảnh: Việt Dũng.

Các đồng chí lãnh đạo và khán giả tham dự chương trình. Ảnh: Việt Dũng.

Không thể lãng quên

Tại đêm gala phát động chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, khán giả đã được sống lại những giây phút hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”, qua các bài hát: Đất nước, Chiếc gậy Trường Sơn, Cô gái mở đường, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Lá đỏ, Bài ca không quên... Các ca sĩ tham gia chương trình như Quang Lý, Cao Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Thanh Thúy, Cao Thái Sơn, Đông Quân, nhóm Áo Lính… đã nỗ lực hết mình để đem đến cho đêm gala những phần biểu diễn lắng đọng…

“Mùa khô năm 1972 - thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, trên mặt trận Trường Sơn có Đoàn văn công Vĩnh Phú đến biểu diễn. Trong đoàn có cô văn công tên Ngà. Cô vào chiến trường vừa để làm nhiệm vụ, vừa để tìm gặp người yêu. Và lần đó, Ngà đã tìm được. Trong buổi tập luyện trước giờ diễn, cô tập rất hăng say. Thế nhưng cũng đúng vào ngày hôm ấy, người yêu của cô - người chiến sĩ công binh nhận nhiệm vụ san lấp mặt đường đã hy sinh. Tin anh hy sinh đến với Ngà khi cô sắp bước lên sân khấu. Nén niềm đau xé ruột, Ngà vẫn hát đến khi kết thúc chương trình. Lời hát như có lửa. Ai cũng có cảm giác Ngà hát để gửi hết nỗi lòng cho người vừa nằm xuống. Hát xong cô chạy vào cánh gà khóc nức nở. Đó chỉ là một trong muôn ngàn mất mát, muôn ngàn nỗi đau trong chiến tranh nhưng câu chuyện ấy vẫn khắc sâu trong lòng tôi cho đến tận bây giờ”, Thiếu tướng Phan Khắc Hy xúc động kể.

“Có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi, nao núng và nản lòng khi phải theo đuổi một cuộc chiến đầy gian khổ, ác liệt và kéo dài?”, Thiếu tướng Phan Khắc Hy bày tỏ: “Trong cuộc chiến khốc liệt đó, những ai từng sống và chiến đấu tại Trường Sơn đều có chung một nỗi đau khi phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Thế nhưng, chúng tôi đều tâm niệm một điều: Tất cả vì độc lập tự do, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Người trước ngã xuống, người sau lại xốc tới vươn lên. Cũng trong những năm tháng đó, chiến sĩ Trường Sơn đã được đồng bào sống dọc cung đường Trường Sơn đùm bọc bằng cả xương máu của mình. Vì thế, khi đất nước hòa bình, tôi vẫn mong đồng bào cả nước chung tay góp sức để giúp đồng bào Trường Sơn có cuộc sống ấm no. Với cương vị là một người lính Trường Sơn, tôi rất xúc động, rất trân trọng và cảm ơn những nghĩa cử và tấm lòng ấy”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa cho ông Nguyễn Hòa Bình Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank - nhà tài trợ chính của chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa cho ông Nguyễn Hòa Bình Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank - nhà tài trợ chính của chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từng là một người lính Trường Sơn, nhà báo Nguyễn Đức (Báo SGGP) đã hết sức xúc động khi có dịp cùng nhóm phóng viên Báo SGGP trở lại Trường Sơn thực hiện loạt bài “Trở lại Trường Sơn huyền thoại”. Ông tâm sự: “Khi trở lại, chúng tôi đều có cảm giác là xung quanh mình đâu đó vẫn còn vong linh của đồng đội lẩn khuất. Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy mình như có lỗi với Trường Sơn, có lỗi với những người đã nằm xuống, với những bản làng và đồng bào sống dọc Trường Sơn. Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm mà ở Trường Sơn vẫn còn những bản làng chỉ cần mưa xuống, lũ qua là bị cô lập. Vì lẽ đó, Báo SGGP đã quyết tâm phải làm một điều gì đó để đền đáp nghĩa tình cho Trường Sơn…”.

“Tôi gắn bó với Trường Sơn chỉ 3 tháng nhưng quãng thời gian đó có ý nghĩa bằng cả một đời” - nhà văn Trần Văn Tuấn - nhà văn được tặng giải thưởng văn chương ASEAN về cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh “Rừng thiêng nước trong”, chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông trên cung đường máu lửa này là một lần… mất dép. “Tôi vào Trường Sơn từ những năm 1970, vừa hành quân được ít ngày thì bị mất dép. Ai đã từng vượt Trường Sơn sẽ hiểu mất dép là một… thảm họa, vì khi ấy phải đi trên những triền núi cao sắc cạnh bằng đôi chân trần. Không còn cách nào khác, tôi nảy ra sáng kiến là hy sinh một cái áo để bó chân. Khi đi đến một trạm xá, có người bày cho tôi cách đến khu vực để thi thể các chiến sĩ vừa tử trận để… xin dép. Nghĩ đến cảnh đồng đội mình nằm xuống giữa núi rừng hoang lạnh, không người thân, không gia đình, thậm chí không một mảnh áo, tôi thà hy sinh thêm một chiếc áo, thà đi chân không chứ không nỡ lấy đi đôi dép của đồng đội mình” - nhà văn Trần Văn Tuấn kể.

Nhịp cầu tri ân

Từ tháng 7-2009, Báo SGGP chính thức mở cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa mang tên “Nghĩa tình Trường Sơn”, nhằm huy động tình cảm của đông đảo bạn đọc hướng về Trường Sơn, hướng về những gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đang gặp khó khăn trên đại ngàn Đông và Tây Trường Sơn. Ngay sau khi Báo SGGP phát động, chương trình đã đón nhận rất nhiều những tấm lòng của bạn đọc gần xa.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tâm sự: “Thế hệ hôm nay còn rất nhiều việc phải làm, phải tri ân với các vùng đất chịu nhiều thiệt thòi, những địa danh trọng điểm, tọa độ lửa đang bị lãng quên ở Trường Sơn để con đường huyền thoại này được thắp sáng, để đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam mãi mãi trường tồn”. Chính vì lý do đó, Vietcombank đã quyết định ủng hộ 40 tỷ đồng cho chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”.

Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển và Thiếu tướng Phan Khắc Hy tại đêm phát động Nghĩa tình Trường Sơn.

Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển và Thiếu tướng Phan Khắc Hy tại đêm phát động Nghĩa tình Trường Sơn.

Tại đêm gala, Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển đã phát động Cuộc vận động “Nghĩa tình Trường Sơn” với mong muốn: “Toàn thể đồng bào, đồng chí, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, những người con đất Việt ở trong nước cũng như ngoài nước, hãy thể hiện tấm lòng, tình cảm cũng như trách nhiệm của mình với những người đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc hôm nay”.

Đồng chí chia sẻ: Từ ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ cũng như việc phục dựng các di tích lịch sử trên đường Trường Sơn và giúp đỡ gia đình đồng bào các dân tộc dọc đường Trường Sơn chưa được như mong muốn. Vì thế, cuộc vận động “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo SGGP tổ chức là việc làm tình nghĩa, tạo cơ hội để bạn đọc cả nước thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn…

Như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ trong thư gửi Ban Biên tập Báo SGGP ngày 31-8: “Cuộc vận động “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo SGGP tổ chức là việc làm tình nghĩa, góp phần sẻ chia trách nhiệm với Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, phục dựng các di tích lịch sử cũng như xây dựng các đài tưởng niệm anh hùng đã quên mình vì nước trên đại ngàn Trường Sơn”.

Đêm gala “Nghĩa tình Trường Sơn” khép lại trọn vẹn. Một nhịp cầu tri ân Trường Sơn bất tử đã mở ra…

Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại một thời Trường Sơn.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại một thời Trường Sơn.

Khán giả hòa nhịp cùng các ca khúc về người lính.

Khán giả hòa nhịp cùng các ca khúc về người lính.

Tiết mục mở màn đêm gala. Ảnh: Việt Dũng
Tiết mục mở màn đêm gala. Ảnh: Việt Dũng
Những khúc ca tái hiện về một thời hoa lửa ở Trường Sơn.

Những khúc ca tái hiện về một thời hoa lửa ở Trường Sơn.

Trong đêm 15-9, nhiều đơn vị đã ủng hộ cho chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ủng hộ: 40 tỷ đồng, Pepsico: 5 tỷ đồng, Tập đoàn Cao su Việt Nam: 1 tỷ đồng, Quỹ Thiện Tâm: 1 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam: 1 tỷ đồng, Tổng Công ty Dệt may Phong Phú: 1 tỷ đồng, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn: 300 triệu đồng, Công ty cổ phần Đông Á (Bình Dương) ủng hộ: 150 tivi 21 inch (trị giá 170 triệu đồng), Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ủng hộ: 30 triệu đồng, Công ty cổ phần Viễn thông Miền Tây: 30 triệu đồng, Hội đồng hương Quảng Bình tại Birmingham (Anh): 10.000 bảng Anh, Công ty cổ phần Địa ốc Gia Hưng (quận Thủ Đức): 10 triệu đồng, Công ty TNHH một thành viên Nhà hàng Đồi Xanh: 10 triệu đồng, Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị: 5 triệu đồng, Công ty Bảo vệ Bình An (quận Bình Thạnh, TPHCM): 5 triệu đồng, Công ty Kiểm toán Tâm Việt (quận 10): 2 triệu đồng… Riêng cán bộ - công nhân viên Báo SGGP ủng hộ 1 ngày lương, tổng cộng: 63 triệu đồng…

Qua đường dây điện thoại nóng, đã có rất nhiều người dân TPHCM và các tỉnh thành từ Nam chí Bắc gọi điện thoại đóng góp cho chương trình. Đặc biệt, có nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống tại Anh, Canada… đã thông qua chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, bày tỏ tình cảm và đóng góp ủng hộ chương trình.

Chương trình nghĩa tình Trường Sơn rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, đơn vị. Mọi chi tiết xin liên hệ chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 - 438 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, điện thoại: 08.38340018, 08.22111263, email nghiatinhtruongson@sggp.org.vn, tài khoản tại Vietcombank: 0071005154702.

Để nghĩa tình sưởi ấm Trường Sơn ảnh 8
Để nghĩa tình sưởi ấm Trường Sơn ảnh 9

Thạch Thảo - Mai Hương
video: Minh Sĩ

Tin cùng chuyên mục