Để người tố cáo tiêu cực không đơn độc

Người tố cáo cần được bảo vệ
Để người tố cáo tiêu cực không đơn độc

“Người tố cáo (NTC) tiêu cực rất đơn độc và gặp nhiều rủi ro. Họ thường bị cho là đối tượng gây rối, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; luôn phải đối mặt với những người có quyền, có chức, thậm chí có thể quyết định quyền lợi kinh tế của mình. Song đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế, biện pháp hữu hiệu để bảo vệ NTC”. Đó là tâm sự của một cá nhân tiêu biểu bên lề Hội nghị tuyên dương những điển hình trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng (diễn ra vào đầu tháng 6 - 2009 tại TPHCM) nhưng cũng là tiếng nói chung của hầu hết những NTC dám đấu tranh với tiêu cực để bảo vệ chân lý, sự thật.

Người tố cáo cần được bảo vệ

Những người tố cáo tiêu cực và tham nhũng như ông Hoàng Mạnh Tùng (ảnh), cần được bảo vệ. Ảnh: HOÀI NAM

Những người tố cáo tiêu cực và tham nhũng như ông Hoàng Mạnh Tùng (ảnh), cần được bảo vệ. Ảnh: HOÀI NAM

Là một cựu chiến binh, cán bộ cách mạng lão thành hơn 60 năm tuổi Đảng, ông Hoàng Mạnh Tùng (ngụ P.Thảo Điền Q2 TPHCM) rất bất bình trước những việc làm sai trái của một số cán bộ đảng viên ở cơ sở nên đã kiên trì đấu tranh suốt 10 năm nay.

Cuối cùng sự thật cũng được sáng tỏ, 4 vụ tiêu cực về đất đai liên quan đến một vài cán bộ địa phương đã được phanh phui. Nhưng cũng kể từ đó, cuộc sống gia đình ông bị xáo trộn. Những đối tượng bị tố cáo tìm cách xúc phạm, thậm chí trù dập, đe dọa trả thù ông. Có người còn viết thư mạo danh gửi lên cơ quan cấp trên vu cáo ông Tùng chạy chọt để được công nhận là lão thành cách mạng. Một vài phần tử quá khích đã chửi bới, đe dọa ông, dù chúng đã bị công an phường xử phạt hành chính vì hành vi xúc phạm danh dự người khác, gây rối trật tự công cộng. Có kẻ còn cay nghiệt gọi ông là “lão thành cách mạng dỏm”, bảo ông rằng “già rồi, không phải đấu tranh nữa. Im đi!”…

Thậm chí có người còn gọi điện đến một số cơ quan báo chí đe dọa là sẽ lấy mạng ông! Thản nhiên trước những điều thị phi, ông Tùng lấy niềm tin của nhân dân làm “lá chắn” cho mình. Ông bộc bạch: “Hậu phương lớn nhất của tôi lúc này là sự ủng hộ của nhân dân dành cho công lý và sự thật. Sự động viên của chính quyền, đoàn thể là chỗ dựa tinh thần giúp cho tôi tiếp tục đấu tranh. Tuy nhiên, những đối tượng trả thù tôi sẽ không chừa thủ đoạn nào nên lúc này tôi càng phải chủ động, cứng rắn, bình tĩnh. Mong rằng, sự công tâm của dư luận, sự minh bạch của chính quyền địa phương sẽ là biện pháp hữu hiệu trừng trị thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật. Dư luận tốt, chính quyền địa phương ủng hộ, nhân dân tin tưởng, nghĩa là tôi đang được bảo vệ”.

Nhưng, để họ không cảm thấy đơn độc, bơ vơ, bị cô lập, rất cần có cơ chế, biện pháp thiết thực bảo vệ NTC từ phía các cơ quan chức năng. Bởi, để đưa được những thông tin có tính chất phanh phui như vậy, nhiều NTC đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng. Như trường hợp anh Đặng Vũ Thắng, nguyên Phó phòng Kế toán – Tài vụ của Thảo Cầm viên Sài Gòn, đã bị giang hồ chém đến chết vào tháng 8-2001, sau khi anh dũng cảm tố cáo những vụ việc mờ ám, bê bối của cấp trên trong việc xén bớt  kinh phí để nuôi các loại thú quý hiếm và sự không minh bạch về tài chính trong dự án 1,5 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng cơ sở của Thảo Cầm viên Sài Gòn.

Luật bảo vệ nhân chứng, người tố cáo: Bao giờ?

Được biết, năm 2010 - 2012, Quốc hội sẽ xây dựng Luật Tố cáo và Luật Bảo vệ nhân chứng. Đồng thời, Bộ Nội vụ và Bộ Công an sẽ ban hành quy chế khen thưởng, bảo vệ NTC tiêu cực. Nhưng từ nay đến thời điểm đó, NTC tiêu cực sẽ sống ra sao khi những thiết chế, quy phạm pháp luật bảo vệ họ vẫn còn nằm… trên giấy? Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Minh Thông, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an TPHCM, cho biết: “Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng quy định cụ thể về việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ, khen thưởng đối với người có công (tố giác). Nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện, chưa có hướng dẫn cụ thể. Đối với cơ quan điều tra, không cần NTC yêu cầu, chúng tôi vẫn ý thức về trách nhiệm bảo vệ bí mật nguồn tin, làm cơ sở phục vụ quá trình điều tra. Trong trường hợp NTC trực tiếp bị đe dọa tính mạng hay có bằng chứng cho thấy họ đang gặp nguy hiểm thì chúng tôi sẵn sàng lập kế hoạch bảo vệ họ”.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Xét khiếu tố, Thanh tra TPHCM, nói: “Nếu NTC phát hiện dấu hiệu bị đe dọa, trả thù nên báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan giải quyết tố cáo. Thực tế cho thấy nhiều NTC tiêu cực, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được bảo vệ uy tín, quyền lợi, tính mạng, danh dự cho đến khi vụ việc được đưa ra ánh sáng”. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Bá Hiền (ở tỉnh Bạc Liêu) mạnh dạn tố cáo đường dây tham nhũng trong chạy điểm, nâng điểm thi trong ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bạc Liêu nhờ sự hậu thuẫn, bảo vệ chặt chẽ của công an tỉnh.

Từ nguồn tin ông Hiền cung cấp, cơ quan điều tra đã phát hiện 260 đối tượng liên quan, trong đó 26 người bị xử lý. Tuy nhiên, để NTC thật sự an tâm trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, việc nhanh chóng ban hành Luật Tố cáo, Luật Bảo vệ nhân chứng và đưa những luật này áp dụng vào thực tế là điều rất cần thiết.

Hoàng Hoa

Tin cùng chuyên mục