Để nông dân chịu học và học tốt

Bắt đầu từ nhận thức đúng về nghề nông
Để nông dân chịu học và học tốt

Bắt đầu từ nhận thức đúng về nghề nông

Trao đổi kinh nghiệm nuôi trùn quế tại Củ Chi, TPHCM.

Trao đổi kinh nghiệm nuôi trùn quế tại Củ Chi, TPHCM.

Năm 1998, số dân sống bằng nghề nông ở các huyện ngoại thành là 480.082 người (chiếm 56,3% dân số nông thôn) đến năm 2006 chỉ còn 250.556 người (chiếm 24,2% dân số nông thôn, nhưng chỉ có 142.834 người là lao động trực tiếp trong nông nghiệp).

Tình trạng “lão hóa” xuất hiện ngày càng rõ trong lao động nông nghiệp. Nhóm lao động trẻ (dưới 36 tuổi) có chút văn hóa đang có khuynh hướng chuyển sang khu vực phi nông nghiệp.

Mặt bằng học vấn của nông dân lại thấp. Trình độ cấp 3 của dân số nông thôn trong độ tuổi lao động chỉ chiếm 20,03%. Theo kết quả điều tra dân số (1-10-2004), tỷ lệ dân số từ 13 tuổi trở lên không có bằng cấp chuyên môn ở nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao (93,2%). Như vậy, việc giới thiệu nghề làm nông cho lực lượng thanh niên và nâng cao tay nghề cho nông dân là góp phần giải quyết thực trạng nguồn nhân lực trong nông nghiệp thành phố.

Để làm tốt việc này, trước hết là nâng cao nhận thức về nghề nông, một nghề dù vất vả nhưng vẫn có thể làm giàu nếu có năng lực và điều kiện. Gây được ý thức cần học ở nông dân thì coi như đã đạt trên 90% mục đích.

Để các nông dân tự giác đi học, tìm học (như những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã từng làm - ngay cả việc đi du học nước ngoài) thì phải tăng cường công tác tuyên truyền những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giới thiệu những người giỏi gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm với nhau, tạo sự gặp gỡ, giao lưu giữa người giỏi với người chưa giỏi cũng là việc cần làm. Nhất là tạo điều kiện cho các nông dân đi tham quan các mô hình, cách làm ăn giỏi trong nước (kể cả ở nước ngoài) nhằm kích thích sự ham muốn học hỏi cho tuổi trẻ nông thôn. Phải mạnh dạn bỏ kiểu mở lớp theo chỉ tiêu, chiêu sinh để lấp kín người vào danh sách dự học, thậm chí có người không làm nông nghiệp “cũng bị mời” đi học lớp nông nghiệp.

Đến các lớp thiết thực, sinh động

Hiện nay, qua theo dõi tình hình học nghề của bà con nông dân, chúng tôi thấy các lớp về kỹ thuật làm nông nghiệp đô thị, công nghệ chế biến nông sản, kỹ thuật sinh vật cảnh có gắn lý thuyết với thực hành khá thu hút bà con nông dân.

Theo anh Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Tân, hiện nông dân trong quận có nhu cầu được học các lớp về vi tính ứng dụng để hỗ trợ cho công việc làm ăn, có thêm điều kiện để tìm hiểu thông tin kịp thời hơn.

Cần hiểu lớp học của nông dân là “lớp nhưng không có lớp” vì thế mà thời gian mở lớp, địa điểm mở lớp, số lượng người dự, nội dung học và người giảng, phương pháp giảng… cần phải được coi trọng. Nghệ thuật truyền đạt cho nông dân phải hấp dẫn thì mới thuyết phục. Ngôn ngữ để diễn đạt cũng phải giản dị dễ hiểu, dễ nhớ. Một lớp học tốt thì nên có những ví dụ gần gũi, dí dỏm và ngoài tài truyền đạt của người thầy bao giờ cũng cần có công cụ trợ giảng sinh động như: tài liệu, hình ảnh, video, bảng biểu… đi kèm.

Hiện nay việc giảng chay vẫn còn khá nhiều nên dễ chán. Cần để nông dân có dịp nghe nông dân nói về kinh nghiệm và hiệu quả làm ăn nhằm minh họa cho nội dung đang học. Nên chiếu minh họa lại công việc làm ăn của một nông dân tiêu biểu nào đó mà lớp học sẽ tìm hiểu hoặc mời nông dân giỏi đứng lớp, nghệ nhân đứng giảng thực hành cho nông dân. Sử dụng thảo luận trao đổi, giải đáp thắc mắc là một phương pháp hay và sôi nổi - làm được thì hay biết mấy.

Cuối cùng là phải thăm dò xem nông dân có thỏa mãn về nội dung, chương trình học và cần được thông tin thêm gì? Một lời kết thúc chân tình kêu gọi sự nỗ lực vượt khó vươn lên, ứng dụng thật tốt những điều mình học là cần nên làm.

Các chủ trương của Đảng, của Nhà nước và các chính sách hỗ trợ về vốn của thành phố, của các tổ chức đoàn thể giúp nông dân sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, các địa chỉ cung cấp giống mới, thiết bị, giá cả, nơi tiêu thụ mua bán sản phẩm là những nội dung cần được lồng ghép vào lớp học của nông dân.

Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh vào sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả và lợi nhuận cao. Nhưng muốn được thụ hưởng thành quả này thì chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp phải tương xứng với yêu cầu tiếp nhận và khả năng ứng dụng những tiến bộ đó. Chất lượng nguồn lực lao động này chỉ có thể có khi nông dân được đào tạo huấn luyện một cách đầy đủ, được trang bị một tinh thần sẵn sàng thích ứng với yêu cầu mới.

Đặng Văn Thành
(Phó ban Chỉ đạo Nông nghiệp nông thôn TPHCM)

Tin cùng chuyên mục