Tôi rất tâm đắc về mục tiêu phát triển trong 5 năm tới là xây dựng TPHCM “có chất lượng sống tốt” và ngày càng “văn minh” hơn. Nhưng để làm điều này cần phải xây dựng ý thức trong mỗi người dân từ những việc nhỏ nhất.
Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên công tác ở nước ngoài. Nơi tôi đến đa số là các quốc gia vùng Đông Nam Á. Điều đặc biệt đọng lại trong tôi không phải nước đó giàu có hay rừng vàng biển bạc, mà là ở cách hành xử giữa người với người. Đơn cử như ở Campuchia, nơi tôi thường đến. Tôi thích cách lịch thiệp của họ. Nhiều lần, đoàn du lịch của chúng tôi va quẹt vào ô tô, xe Tuk Tuk của họ nhưng thay vì sửng cồ, khó chịu, họ lại lùi xe để nhường đường cho khách qua và chắp tay, cúi đầu. Một kiểu xã giao thuần túy của quốc gia họ nhưng rất đẹp.
Trông người mà ngẫm đến ta. Quốc gia ta có tài nguyên trù phú, danh lam thắng cảnh (thậm chí nhiều nơi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới) trải dài từ Bắc đến Nam, thuận lợi cho việc du lịch. Ngành du lịch Việt cũng đang phát triển, dù không bằng một số quốc gia trong khu vực qua đó cho thấy chúng ta chú trọng lĩnh vực thiên về dịch vụ. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là cách hành xử của người Việt chúng ta chưa được nhã nhặn, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, khi mà hàng triệu con người đổ về đó sinh sống để tìm kế mưu sinh. Vì thế, ngành du lịch ít nhiều bị ảnh hưởng bởi kiểu “chợ búa” của một số người dân. Đúng là ai cũng có lúc nóng giận, nhưng cần phải biết chế ngự, xử sự theo cách nhân văn thay vì hùng hổ đánh nhau. Mỗi người lớn tập thói quen tự kiềm chế mình, hành xử nhã nhặn để làm gương cho con trẻ và để duy trì tính lịch sự, hòa hiếu thành lề thói.
ĐẶNG TRUNG THÀNH