Hơi sớm để nói thị trường bất động sản (BĐS) khởi sắc, nhưng có thể khẳng định đã dễ thở hơn! Vì sao có thể nhận định như vậy, trong khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu lạc quan, cụm từ đóng băng, tồn kho trở thành câu cửa miệng khi nói về nền kinh tế nói chung?
Thông tin từ các sàn giao dịch BĐS cho thấy, loại căn hộ có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng đã trở nên khan hiếm, đặc biệt ở vùng gần nội đô hầu như không còn để bán. Theo các công ty môi giới, loại căn hộ này lọt vào gói 30.000 tỷ đồng, cho vay lãi suất ưu đãi; mặt khác giá thành cũng vừa tầm thu nhập của đại bộ phận dân chúng nên được tiêu thụ khá tốt. Hiện nay, một số doanh nghiệp chuyên đi lùng sục những dự án kiểu này nhưng đã ngưng thi công để tái sinh, kiếm lời cũng kha khá. Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã “đệ đơn” lên Sở Xây dựng để xin chẻ nhỏ căn hộ. Điều này trở thành vấn đề nhạy cảm, mặc dù Bộ Xây dựng gần như “xả cửa” nhưng TP lại khác - không phải dự án nào cũng được chẻ.
Sau hai năm rà soát, mới đây UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ một cách tổng quan về thị trường BĐS. Theo đó, TP có 689 dự án tạm dừng, chậm triển khai, nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn kho cao. TP đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư và 120,8ha đất nền nhà thấp tầng. Nghe qua thì nặng nề, nhưng thực chất đã giảm 4.437 căn nếu so với báo cáo với Thủ tướng ngày 17-12 năm ngoái. Như vậy nếu nói đóng băng hoàn toàn là không đúng mà vẫn có giao dịch, cho dù khá chậm.
Một tín hiệu khác là số doanh nghiệp chuyên về BĐS cũng như có dính líu đến BĐS đã giảm lỗ rất nhiều so với thời gian trước đây, thông số minh chứng từ hai sàn chứng khoán. Khảo sát 33 doanh nghiệp niêm yết, chỉ ghi nhận có 4 doanh nghiệp bị lỗ, đặc biệt trong đó có hai công ty thuộc họ dầu khí. Nhìn vào giải trình của doanh nghiệp lỗ và lời, có hai thái cực rõ rệt: Thiểu số lỗ viện dẫn chung chung là do nền kinh tế còn khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng. Còn bên có lãi là một sự vận hành quyết liệt. Đó là chủ động giảm giá bán để tháo hàng tồn kho, gọt cắt những “u nhọt” lỗ lã, tiết giảm chi phí từ vay vốn cho đến tinh giản bộ máy hành chính, đã góp phần làm tình hình sáng sủa hơn. Trong đó, đáng chú ý là cắt giảm chi phí tài chính mà lãi vay là chủ yếu, như Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai giảm 22,8 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh đã giảm được 9,47 tỷ đồng… Hoặc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam đã kiên quyết cắt cục lỗ khủng từ Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, sau 4 năm đầu tư đã lỗ 1.575 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Tất nhiên, muốn để thị trường ấm áp, lành mạnh thì doanh nghiệp tự vận động là chưa đủ, ở đây đòi hỏi phải có sự chung tay tháo gỡ từ quản lý nhà nước. Đáng chú ý, giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS của TPHCM sắp tới rất tích cực. Đó là ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho ba nhóm dự án với tổng cộng 276 dự án: nhóm dự án đang thi công dở dang nhưng ngưng triển khai đầu tư xây dựng, nhóm dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, nhóm dự án đã xây dựng hoàn thành nhưng còn tồn kho. Rõ ràng, giải quyết được khó khăn cho các dự án này sẽ góp phần giảm lượng hàng tồn kho căn hộ chung cư; đẩy nhanh tiến độ các dự án, đưa căn hộ vào sử dụng, tránh gây lãng phí một lượng vốn lớn đã đầu tư vào các dự án nhưng để hoang hóa; đặc biệt sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại cho những khách hàng đã đóng tiền mua nhà nhưng chưa nhận được nhà, đang gây bức xúc trong dư luận.
LƯƠNG THIỆN