Tình trạng dịch bệnh gây chết hàng loạt tôm tại nhiều khu vực nuôi trồng trọng điểm các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi chứng bệnh mới (dịch bệnh đốm trắng, không chữa trị được trên tôm sú) đã buộc người nuôi tôm phải tính chuyện chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng để hạn chế rủi ro.
Mới đây, tại cuộc họp về nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Cần Giờ, UBND TPHCM đồng ý quy hoạch 2.500 ha (tập trung 4 xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn và Bình Khánh) nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú như trước. Sự việc này nhằm giải quyết mối lo dịch bệnh, nhằm hạn chế nguy cơ người nuôi tôm rơi vào tình trạng phá sản.
Theo UBND huyện, diện tích có thể nuôi tôm ở Cần Giờ từ 5.200ha đến 6.100ha, trong đó, hơn 4.700ha nuôi tôm sú. Chính con tôm sú đã từng là vật nuôi thế mạnh của ngành thủy sản TP, là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành nông nghiệp TPHCM.
Ngành thủy sản, đặc biệt là con tôm (sú, thẻ chân trắng) vẫn sẽ là vật nuôi trọng điểm góp phần chủ yếu vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp TP. Nhưng dịch bệnh và sự lây nhiễm những năm qua đã làm cho diện tích cũng như sản lượng tôm sú giảm mạnh. Nhiều vùng nuôi tôm sú, nhất là khu nuôi tôm sú công nghiệp ở Doi Lầu xã An Thới Đông không còn “sáng đèn” như thời kỳ đầu những năm 2000. Vùng nuôi bị bỏ hoang khá nhiều. Do vậy, việc quy hoạch này hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản Cần Giờ. Hiện nay ở Cần Giờ có khoảng 800ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Ưu thế của loại tôm này là mật độ nuôi dày (trên 100 con/m2), năng suất cao, tiêu tốn thức ăn ít, dù giá bán thấp hơn tôm sú, nhưng hiệu quả lại cao hơn do thời gian nuôi ngắn (khoảng 2-3 tháng), có thể “bán tỉa” từng đợt thay vì 1 lần như tôm sú, nếu dịch bệnh xảy ra cũng hạn chế tổn thất.
Tuy nhiên, dù là nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng, yêu cầu đầu tiên vẫn là con giống tốt và cần có hạ tầng hoàn chỉnh cho cả vùng nuôi, từng ao nuôi theo quy hoạch chung của TP và huyện. Bài học cay đắng từ con tôm sú trước đây ở Cần Giờ chính là do quy hoạch vùng nuôi không hoàn chỉnh (hệ thống lấy nước cho các ao nuôi từ sông và thoát nước từ ao nuôi phải riêng biệt), phát triển quá nóng, trước khi có sự quy hoạch, trong khi hầu như không ai chịu hy sinh phần đất của mình để làm hệ thống thủy lợi chung nên xảy ra tình trạng, nơi này thải nước ra, nơi khác dẫn vào ao nuôi. Hậu quả, một nơi xảy ra dịch bệnh, cả khu vực bị ảnh hưởng… Tính cộng đồng và ý thức tự giác trong nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm đòi hỏi phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Một khi các mắt xích trong chuỗi quy trình không được vận hành tốt, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn treo lơ lửng cho cả vùng nuôi cho dù là tôm sú hay thẻ chân trắng. Khắc phục tình trạng trên là biện pháp cần thiết nhằm hạn chế hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho bà con nông dân.
ĐĂNG LÃM