Để trường nghề bứt phá - Bài 1: Ngắc ngoải hoạt động

LTS: Cả nước hiện có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 1.205 cơ sở công lập, hình thành mạng lưới trường chất lượng cao trọng điểm quốc gia, với quy mô tuyển sinh 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, hệ thống trường nghề vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, cơ cấu tuyển sinh chủ yếu là trình độ sơ cấp, chất lượng đào tạo còn thấp…
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ trong giờ thực hành công nghệ ô tô. Ảnh: TÍN HUY
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ trong giờ thực hành công nghệ ô tô. Ảnh: TÍN HUY

Những bất cập này đang đặt ra yêu cầu sắp xếp lại những trường nghề yếu kém, nâng cao chất lượng GDNN, hoàn thiện chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động GDNN.

Hệ thống trường nghề hiện tồn tại sự chồng chéo trong việc quản lý; thiếu kinh phí, không tuyển được học viên nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không được đầu tư. Nhiều trường than khổ, nhưng vẫn thiếu phương cách để thoát khổ, thoát khó…

Học viên... “rơi rụng”

Cách trung tâm thành phố gần 15km, cơ sở 2 Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM (số 52, đường 400, KP3, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) có khuôn viên như một “khu rừng nhiệt đới”. Phải bước qua những khóm cỏ dại chằng chịt mọc ngang đầu gối mới đến được 10 dãy nhà cấp 4 xập xệ, cửa đóng then cài, ổ khóa hoen gỉ. Sau các dãy nhà mái ngói rêu mốc là khu nhà xưởng thực hành. Trái ngược với màu sơn còn mới bên ngoài, bên trong lớp bụi phủ dày, nhiều chỗ rác, bàn ghế cũ xếp chồng không ai thu dọn. Đến khu ký túc xá, nơi có sức chứa 400 sinh viên, cũng hoang tàn lạnh lẽo, không một bóng học viên, chỉ còn khu hiệu bộ được chăm chút, sáng đèn, tiếng quạt máy chạy ro ro…

Gặp học viên Lê Huỳnh Nhân đang thực hành nhận diện các loại phân bón, giá thể trồng rau, anh bộc bạch: “Trước, tôi dự định theo học hệ trung cấp nghề cơ điện lạnh, sau tốt nghiệp sẽ đi làm ở Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung. Tuy nhiên, khi đến trường thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tạm bợ, lạc hậu, tôi bỏ ý định này và chuyển qua học sơ cấp để phát triển kinh tế hộ gia đình”. Khi được hỏi có dự tính học nâng cao trình độ, anh Nhân khẳng định sẽ học, nhưng tìm trường khác.

Hồi tưởng quá khứ “vàng son” (khoảng năm 2017-2018), Th.S Bùi Thanh Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM, kể, có thời điểm, số học viên, sinh viên theo học luôn đạt 4.500-5.000 người/năm ở hệ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Nhà trường là điểm sáng khu vực phía Nam trong đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề; bồi dưỡng các chuyên đề kinh tế, kỹ thuật theo yêu cầu của các đơn vị, cơ quan trong ngành và của xã hội; đào tạo đội ngũ cán bộ phường, xã theo chương trình, mục tiêu của UBND TPHCM phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… Rồi số lượng học viên ngày một rơi rụng dần, có lý do khách quan và cả chủ quan.

“Năm 2020 chỉ tiêu 650 trung cấp nhưng chỉ tuyển được khoảng 400; năm 2021 giảm xuống còn 375 học viên; thê thảm nhất là năm 2022 chỉ tuyển được 91 học viên. Trường hiện còn 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Do không tuyển sinh được nên cuộc sống ai cũng khó khăn, nhiều người đã nghỉ, bỏ việc”, Th.S Bùi Thanh Hùng tâm sự. Theo Th.S Bùi Thanh Hùng, ngày 26-4 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành Văn bản số 1672/UBND-VX về triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có mục (25) là Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM sẽ được sáp nhập vào trường cao đẳng, đại học hoặc đơn vị tương đương; thời gian hoàn thành trong quý 3-2023.

Cơ sở vật chất tạm bợ, lớp học trên một không gian hẹp, còn được bắt gặp ở “cụm” trường nghề nằm tại hẻm 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh. Từ đầu đến cuối hẻm chiều dài chưa tới 100m, nhưng một bên hẻm là “tổ hợp” trường chen chúc trên khuôn viên khoảng 3.000m2. Ngay đầu tòa nhà 1 trệt 2 lầu cũ kỹ với chiều dài mặt tiền khoảng 70m là biển hiệu Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Cạnh bên là các trường: Trung cấp Sài Gòn; Văn phòng tuyển sinh Đại học mở Hà Nội. Điều đáng lo ngại là một số trường thuê mướn lại cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng, không đảm bảo chỗ dạy và học theo quy định, nhưng trên các trang Facebook, Zalo… lại quảng cáo “rất kêu” để thu hút người học.

Chưa thoát “vùng trũng”

Ngược về vùng ĐBSCL, khu vực có diện tích tự nhiên gần 40.000km2, gồm 13 tỉnh, thành và khoảng 18 triệu dân (khoảng 10 triệu lao động), đóng góp khoảng 18% GDP cho quốc gia. Toàn vùng có 17 trường đại học, 230 cơ sở GDNN, trong đó 26 trường cao đẳng, 62 trường trung cấp, còn lại là cơ sở liên quan tới GDNN chủ yếu đào tạo về kỹ thuật, kinh doanh, quản trị, nông nghiệp, du lịch, môi trường… Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở bậc đại học trở lên chỉ đạt gần 7%; hệ GDNN mới đạt 14,9%, cho thấy, nguồn nhân lực của vùng thấp hơn rất nhiều so với trung bình chung cả nước là 24,5%. “Chúng ta đang tiến hành chuyển đổi số và theo dự báo trong thời gian tới, doanh nghiệp trên toàn vùng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự về phát triển phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, nhất là đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề… Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho những vị trí này đang thiếu rất nhiều”, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đánh giá.

Cơ sở 2 Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM (số 52, đường 400, KP3, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: QUANG HUY

Cơ sở 2 Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM (số 52, đường 400, KP3, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: QUANG HUY

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Cần Thơ Tiêu Minh Dưỡng thẳng thắn cho biết, TP Cần Thơ hiện có 67 cơ sở GDNN, quy mô đào tạo 45.000-50.000 người/năm, tỷ lệ người lao động có việc làm đạt 87% sau tốt nghiệp. Nhưng kết quả này chưa ổn định, một vài trường chậm đổi mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN chưa theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ; gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp còn hạn chế…

Là địa phương tận cùng phía Nam Tổ quốc, Cà Mau hiện có 7 cơ sở GDNN, trong đó có 3 trường cao đẳng có quy mô đào tạo khoảng 8.000 người/năm. Nổi bật trong số đó là Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hồng Nhung cho biết, là một trong 5 trường trên cả nước được thành lập theo đề án Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc từ năm học 2016-2017, trường được cung cấp trang thiết bị đào tạo nghề của Hàn Quốc cho 4 nghề: công nghệ ô tô; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; cơ điện tử; công nghệ thông tin. “Số thiết bị đó chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu cho hoạt động dạy - học, một số đã cũ kỹ, lạc hậu, cơ bản không sử dụng được. Bên cạnh đó, dù đào tạo tốt, tỷ lệ hàng năm đạt trên 3.000 người cho các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên, nhưng đội ngũ giáo viên toàn trường chỉ có 55 người. Riêng đào tạo chính quy cũng chưa đáp ứng đủ số giáo viên cần thiết, trong khi đó còn hệ đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên… Chúng tôi đang gặp rất nhiều áp lực”, bà Nguyễn Hồng Nhung than.

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH Cà Mau cũng thừa nhận, nguồn lực của Cà Mau chưa dành nhiều cho đầu tư phát triển các cơ sở GDNN công lập.

Nhiều trường “chết lâm sàng”

Tại khu vực miền Trung, 5 năm trở lại đây, nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở TP Đà Nẵng, Quảng Nam ngày một ngắc ngoải, đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được, giáo viên đối mặt với thất nghiệp. Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết, Đà Nẵng hiện có 61 cơ sở GDNN, trong đó có 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 26 cơ sở hoạt động GDNN. Tuy nhiên, một số trường trung cấp, cao đẳng đã ngưng hoạt động hoặc trong tình trạng “chết lâm sàng” vì không tuyển sinh được.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh (đường Phan Văn Trị, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), có cơ sở vật chất khang trang với quy mô 4 tầng, trên tổng diện tích sử dụng 2.500m2, nhưng gần như tất cả các khoa phòng đều cửa đóng then cài. Chủ tịch HĐQT nhà trường Mai Anh Đức cảm thán, năm 2014, trường đã dừng tuyển sinh vì càng làm càng lỗ, thu không đủ chi. “Một số học sinh học lực yếu nhưng vẫn không nghĩ đến việc học nghề mà đi tìm một trường đại học có điểm đầu vào thấp để đăng ký, dù không đúng với sở thích, năng lực. Bên cạnh đó, việc một số trường đại học được phép tuyển riêng như sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập THPT để xét tuyển…, khiến cho thị trường giáo dục đại học rất thu hút. Đổi lại, các trường cao đẳng, trung cấp lại càng đìu hiu”, ông Đức nói.

XUÂN QUỲNH

Tin cùng chuyên mục