Để truyền hình thực tế trở nên thuyết phục

Ngay sau bài viết “Chương trình truyền hình thực tế ngày càng nhạt nhẽo”, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với một số nhân vật có trách nhiệm và người trong cuộc để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn vấn đề này.
Để truyền hình thực tế trở nên thuyết phục

Ngay sau bài viết “Chương trình truyền hình thực tế ngày càng nhạt nhẽo”, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với một số nhân vật có trách nhiệm và người trong cuộc để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM, bày tỏ: “Tôi đồng ý cách đặt vấn đề của bài viết Chương trình truyền hình thực tế ngày càng nhạt nhẽo trên báo SGGP. Không thể phủ nhận vai trò của các chương trình truyền hình thực tế (THTT) thời gian qua đã làm phong phú thêm các chương trình giải trí cho bạn xem đài, nhưng thời gian gần đây THTT lạm dụng quá nhiều.

Với nhà sản xuất, khi đem các chương trình nước ngoài về Việt Nam, nên chọn lọc nội dung cho phù hợp với văn hóa, ứng xử của người Việt. Đối với nhà đài – là đơn vị chịu toàn bộ trách nhiệm với các chương trình phát sóng của mình, nên cần phải cẩn trọng, đảm bảo đúng pháp luật, giữ gìn uy tín, không vì lợi nhuận mà đánh mất thương hiệu của đài mình, cũng làm mất niềm tin nơi khán giả xem đài. Nghệ sĩ khi tham gia cũng cần phải ứng xử phù hợp để giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.

Nhà tài trợ cũng suy nghĩ đến việc ảnh hưởng thương hiệu khi tham gia tài trợ một chương trình không phù hợp văn hóa, lố bịch. Khán giả nên tẩy chay những chương trình kém chất lượng, tạo scandal không tốt, không phù hợp với văn hóa và thiếu tính giáo dục. Các cơ quan quản lý như ngành văn hóa, TT-TT tăng cường giám sát, xử lý vi phạm. Nên chăng cần xử lý vài chương trình một cách nghiêm túc. Các cơ quan truyền thông phải cân nhắc trong việc đưa tin, đừng vô tình tiếp tay cổ súy, tạo ra ngộ nhận cho khán giả”.

Trả lời câu hỏi vì sao nhận lời tham gia làm giám khảo cho mấy mùa Vietnam Idol, nhạc sĩ Quốc Trung “úp mở”: “Trước tiên là vì tình cảm với nhà sản xuất. Ê kíp thực hiện Vietnam Idol là những người bạn và tôi thấy vui khi được làm việc cùng họ. Có lý do cao sang, cũng có lý do thấp hèn, nhưng lý do chính là tôi muốn gần gũi và hỗ trợ những ca sĩ trẻ, nên tôi đã nhận lời làm huấn luyện viên The Voice – Giọng hát Việt mùa thứ 2”. Người đại diện của một nhà sản xuất lớn, đã và đang cùng đài truyền hình sản xuất một số chương trình THTT, chia sẻ quan điểm vì sao có nhiều scandal trong một số chương trình THTT được mua bản quyền từ nước ngoài hiện nay, phải chăng đó là cách gây sự chú ý mà trong format gốc đã vạch sẵn kế hoạch: “Nguyên tắc chung của các format quốc tế, không yêu cầu mình phải làm vậy. Tinh thần và sức sống chung của mỗi chương trình THTT là chất lượng thí sinh, BGK và chất lượng nghe - nhìn chứ không phải là scandal. Nhưng tùy vào quan điểm, cách hiểu của mỗi nhà sản xuất khác nhau, nên có cách vận hành khác nhau.

Trong khi đó, nhà sản xuất gặp không ít khó khăn từ những quy định bắt buộc của nhà đài, từ yêu cầu của nhà tài trợ và từ sự kiểm soát gắt gao của đơn vị cung cấp bản quyền. Làm sao thuyết phục đơn vị có bản quyền cho mình thay đổi một số thứ trong chương trình phù hợp với văn hóa Việt; thuyết phục nhà tài trợ có hình thức thể hiện sao cho dung hòa với chương trình mà không phản cảm là chuyện không dễ dàng”. Người viết nhớ cách đây không lâu, ca sĩ Mỹ Lệ khi tham gia trong “Cặp đôi hoàn hảo” đã mặc một chiếc đầm gắn những bao mì gói Hảo Hảo (ảnh) và nhận không ít chỉ trích từ dư luận và công chúng. Không biết do yêu cầu của nhà tài trợ hay là ý đồ của nhà sản xuất, nhưng hình ảnh ấy khiến công chúng mất cảm tình vì quá thô thiển và phản cảm!

Dù nhận lời ngồi ghế nóng hai chương trình THTT đình đám thời gian qua, nhưng khi nói về việc THTT hiện nay quá nhiều lùm xùm và khán giả ngày càng mất niềm tin vào những chương trình này, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Chúng ta đang chạy đua phát triển kinh tế với tốc độ đôi khi vượt quá khả năng và dường như không có thời gian để hoạch định chiến lược lâu dài và nhìn lại. Các trào lưu nở rộ rồi lại mau chóng mất cân đối và thoái trào, văn hóa nghệ thuật không nằm ngoài sự phát triển của xã hội”.

"Các đài truyền hình khi phối hợp với các đơn vị tư nhân đem chương trình nước ngoài về để thực hiện sản xuất phát sóng, phải hết sức cẩn trọng và điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa, khẩu vị của người Việt. Không thể vì lợi ích kinh tế mà bất chấp dư luận"

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục