(SGGP).- Ngày 16-4, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ xưa đến nay, hôn nhân và gia đình luôn được coi là vấn đề hệ trọng của toàn dân, của mọi xã hội.
Việc sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình cần được xem xét trong điều kiện Hiến pháp 1992 đang được sửa đổi, bổ sung; cần quán triệt nguyên tắc tôn trọng quyền con người, bảo đảm quyền của bà mẹ, trẻ em; bảo đảm bình đẳng giới. Luật cũng cần thể hiện tinh thần tiến bộ, văn minh, xu hướng hội nhập và hài hòa với thông lệ quốc tế...
Bày tỏ quan điểm về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, nhận định: “Luật Hôn nhân và gia đình cần xây dựng cụ thể việc áp dụng phong tục tập quán theo nguyên tắc không trái với Luật Hôn nhân và gia đình; chỉ áp dụng phong tục tập quán đã thông dụng, được đông đảo mọi người sinh sống trên địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận và chỉ áp dụng trên địa bàn đó”.
Về độ tuổi kết hôn, cần bổ sung quy định: “Nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn (giữ nguyên tuổi kết hôn của nam là 20 tuổi như hiện hành)”. Trong khi đó, theo quan điểm của UBND TPHCM, tuổi kết hôn nên được sửa đổi theo hướng “nam, nữ được kết hôn khi từ đủ 18 tuổi”, thể hiện quyền bình đẳng giữa nam, nữ trong việc kết hôn, phù hợp với tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ quy định trong Bộ luật Dân sự. Về hôn nhân không đăng ký kết hôn, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, luật không nên thừa nhận hôn nhân giữa những người chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ đối với con chung, tài sản... giữa các bên trong quan hệ chung sống.
Một trong những vấn đề khá nhạy cảm được bàn thảo tại hội nghị là vấn đề giới tính trong hôn nhân. Theo ông Dương Đăng Huệ, Luật Hôn nhân và gia đình tới đây nên sửa đổi theo hướng không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính và có những quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng tương tự như giữa những người khác giới. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến có quan điểm cởi mở hơn về vấn đề này khi đề xuất cho phép kết hôn đồng tính, “vì đó là quyền được sống thực với gì mình có - quyền con người. Mặt khác, đây là một vấn đề thực tế diễn ra hiện nay”. Tất nhiên, ông Tiến lưu ý thêm, cần tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá, cân nhắc cả các yếu tố khoa học và yếu tố xã hội để có đủ cơ sở đưa nội dung này vào luật.
Về mang thai hộ, đa số các ý kiến tán thành việc cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, đồng thời cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với những quy định chặt chẽ. Cụ thể là về điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ cũng như việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con; quyền, nghĩa vụ với đứa trẻ được mang thai và sinh ra.
ANH THƯ