(SGGPO).- Ngày 2-12, Sở GTVT TPHCM phối hợp Ban An toàn giao thông TP, Cảnh sát giao thông TP tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện Thông tư 91 về việc điều chỉnh tăng tốc độ ở một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua.
Theo Sở GTVT TP, sau gần 1 năm triển khai Thông tư 91 về tốc độ lưu thông của xe cơ giới và xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, TP đã điều chỉnh nâng tốc độ lưu thông trên 12 tuyến đường. Cụ thể: QL1 đoạn từ cầu Đồng Nai đến ranh giới tỉnh Long An, QL22 đoạn từ QL1 đến ranh giới tỉnh Tây Ninh, Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến QL1, Xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn; Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Cảnh, Kinh Dương Vương.
Số vụ tai nạn giao thông trên đường Phạm Văn Đồng tăng trong năm 2016. Ảnh: Đức Trí
Tai nạn giao thông tăng trên 2 mặt, trong 11 tháng năm 2016, đã xảy ra 3.609 vụ tai nạn giao thông làm chết 749 người và bị thương 2.924 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 217 vụ ( tăng 6,4%), tăng 107 người chết ( tăng 16,6%) và giảm 75 người bị thương ( giảm 2,5%).
Nguyên nhân gây tai nạn như lưu thông không đúng phần đường quy định, không chú ý quan sát, vi phạm tốc độ, đổi hướng không đúng quy định, xử lý tay lái kém, qua đường không đúng nơi quy định, tự gây, không giữ khoảng cách an toàn…
Trên 12 tuyến đường tăng tốc độ khai thác, có 9/12 tuyến đường có số vụ tai nạn giao thông tăng, 8/12 tuyến đường tăng số người chết, 3/12 tuyến đường tăng số người bị thương so với cùng kỳ. Trong đó, Xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng tăng cả 3 mặt. QL1, Kinh Dương Vương, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh tăng 2 mặt (số vụ, số người chết). Phần lớn số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến QL1, Võ Văn Kiệt, QL22, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Trường Chinh...
Vì vậy, Sở GTVT TPHCM đề nghị, điều chỉnh giảm tốc độ khai thác trên một số tuyến đường có tình hình tai nạn giao thông tăng cao (trong 12 tuyến đường có điều chỉnh nâng tốc độ).
Cụ thể, Xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng sẽ giảm tốc độ xuống 10km/giờ so với hiện nay. Đối với QL1, Kinh Dương Vương, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh sẽ giảm tốc độ 10km/giờ đối với phần đường dành cho xe 2 bánh.
Sở đề nghị Công an TP và UBND các quận huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông không đúng phần đường quy định (xe 2 bánh lưu thông vào phần đường dành cho xe ôtô), dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, ma túy)… nhằm kéo giảm tình hình tai nạn giao thông trong tháng cuối năm 2016 và là tiền đề để xây dựng kế hoạch năm 2017. Và kiến nghị Ban An toàn giao thông TP tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với người điều khiển xe 2 bánh, xe chở khách, xe tải và xe kéo sơ-mi-rơ-moóc.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá lại nguyên nhân gây tai nạn có phải do tăng tốc độ lưu thông hay không, từ đó mới quyết định giảm tốc độ như đề xuất của Sở GTVT TP.
Kết luận tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm yêu cầu, các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát cắm biển báo giảm tốc độ ở một số tuyến đường có số vụ tai nạn giao thông tăng như QL1, QL22, Xa lộ Hà Hội, Phạm Văn Đồng… Riêng về tốc độ xe gắn máy cần tiếp tục theo dõi đánh giá thêm mới quyết định giảm hay không. Việc giảm tốc tộc chỉ là biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông, về lâu dài các quận huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân hiểu. Sở GTVT cũng sẽ triển khai bản đồ số thông tin tốc độ xe được phép lưu thông trên các tuyến đường.
Quốc Hùng