(SGGPO). - Phương án đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 với việc dạy học tích hợp và phân hóa (theo đó sẽ giảm bớt môn học bắt buộc cho học sinh) cũng như đổi mới thi cử mà Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và các chuyên gia giáo dục. Hầu hết đều mong đợi một cuộc cách mạng thực sự của nền giáo dục Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ những đột phá đổi mới nhưng cũng còn nhiều băn khoăn..
Trao đổi với SGGPO, nhiều chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ quan điểm của mình. PGS Văn Như Cương hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm bớt môn học bắt buộc ở hệ THPT. Phải chuyển nhiều môn học sang tự chọn. Các em học sinh lớp 11, 12 cần phải được học ít môn bắt buộc hơn để dành thời gian cho các môn tự chọn sẽ gắn liền với nghề nghiệp sau này. “Tuy nhiên, đâu là các môn tự chọn thì Bộ GD-ĐT phải bàn kỹ. Theo tôi, cần phải bắt buộc 5 môn: toán, văn, ngoại ngữ, giáo dục công dân và thể chất. Vì nếu học sinh không có thể chất và không được học cách làm người tới nơi tới chốn thì hậu quả thế nào ai cũng đã rõ”, PGS nói.
Còn lại, còn lại các môn tự chọn thì hoàn toàn theo khuynh hướng của học sinh. Nếu các em theo tự nhiên thì chọn lý, hóa, sinh; học xã hội thì chọn sử, địa.. Nhưng tôi đề nghị kể cả tự chọn thì cũng phải có định hướng cho các em, ví dụ các em chọn tự nhiên thì cũng phải yêu cầu các em tự chọn ít nhất một môn xã hội, và ngược lại. Như thế để tránh học lệch. “Tôi ủng hộ thi tốt nghiệp ít môn thôi, không 6 môn như hiện nay. Tuy nhiên, với việc đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả học đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó mà Bộ đề xuất, tôi đề nghị đề kiểm tra kết thúc môn học phải do Sở GD-ĐT ra, không phải do trường ra nhằm đạt chuẩn kiến thức chung. Còn tuyển sinh đại học phải giao hoàn toàn cho các trường, vì họ phải tự chủ”, PGS Văn Như Cương cho biết.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ rất mừng vì chủ trương thi tốt nghiệp THPT ít môn mà Bộ GD-ĐT đưa ra, vì đó là đề xuất lâu nay của ông. “Tôi cũng không đồng ý với các ý kiến đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT. Không bỏ thi được đâu, học sinh học 12 năm thì phải thi tốt nghiệp để xác định ngưỡng kiến thức tối thiểu. Còn tuyển sinh đại học, nên giao tự chủ cho các trường. Các trường đại học phải được tự chủ cao về chuyên môn, chương trình đào tạo, bộ máy tổ chức, tuyển sinh, thi-xét tốt nghiệp.. Các nước tiên tiến họ đều đang làm như vậy cả, tức là để các trường đại học hoàn toàn tự chủ. Còn tuyển sinh theo cách nào, thi hay xét, hay kết hợp cả thi và xét.. là tùy vào từng trường”, GS Thuyết nói.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một đề án hợp lý vào giai đoạn này. Điều quan trọng nhất là giảm bớt môn học bắt buộc, tăng hoạt động giáo dục khác cho học sinh để các em được học nhưng cũng được nghỉ, được chơi. Cùng với đó là thay đổi cách đánh giá kết quả học tập cho khách quan, tránh phụ thuộc vào điểm số của các kỳ thi. Ngay cả với giáo dục ở bậc đại học cũng phải thay đổi cách đánh giá và phương phương pháp dạy và học. Cụ thể, dạy và học cần phải gắn nhà trường với xã hội, dạy phải nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu của xã hội. Có như vậy giáo dục mới đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.
Hiện nay, chủ trương giảm bớt các môn học được đa số các ý kiến ủng hộ vì cho rằng đó là cách để giảm tải việc học hành hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần cân nhắc danh mục các môn học bắt buộc (theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, học sinh lớp 11, 12 sẽ chỉ còn học 3 môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ, còn lại là các môn học và chuyên đề tự chọn). Không ít ý kiến đề nghị môn lịch sử phải là môn học bắt buộc đối với học sinh THPT vì để trở thành một công dân tốt, vấn đề nguồn gốc, lịch sử văn hóa, truyền thống rất cần trong hành trang của mỗi người khi bước vào tuổi tự lập. Môn lịch sử là cội nguồn dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc, không nên coi đó là môn học tự chọn.
PHAN THẢO