Đề xuất tạm ứng ngân sách để giải quyết bồi thường Nhà nước

Ngày 6-9, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể, thẩm tra dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Cùng ngày, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp về dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Đề xuất tạm ứng ngân sách để giải quyết bồi thường Nhà nước

Ngày 6-9, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể, thẩm tra dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Cùng ngày, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp về dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Công khai Danh mục hàng hóa tạm ngừng tạm nhập tái xuất trước khi áp dụng

Theo Bộ Công thương - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật - luật này quy định các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại thương, điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa nhà nước và thương nhân; sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước về quản lý ngoại thương. Luật này không điều chỉnh đối với các hoạt động ngoại thương giữa thương nhân với thương nhân, cũng như không điều chỉnh hoạt động ngoại thương đang được quy định tại Luật Thương mại.

Liên quan đến các biện pháp hành chính, Bộ Tư pháp (cơ quan được Chính phủ giao thẩm định dự án) cho rằng, dự thảo luật cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các trường hợp áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu, xuất khẩu và trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời quy định rõ thời hạn áp dụng các biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt, để đảm bảo tính minh bạch của dự thảo luật, cơ quan thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, chỉnh lý quy định về tạm nhập tái xuất và chuyển cửa khẩu theo hướng đảm bảo Danh mục hàng hóa tạm ngừng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu phải được công khai trước khi áp dụng. Đối với quá cảnh hàng hóa, theo quy định tại dự thảo, hàng hóa quá cảnh không được phép tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp cần thiết được Bộ Công thương cấp phép. Các ý kiến tại phiên họp đề nghị quy định rõ trường hợp nào được xác định là “cần thiết” và trình tự, thủ tục để được xem xét, cấp phép tiêu thụ...

Theo báo cáo của Bộ Công thương tại phiên họp, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn tăng trong nhiều năm qua, đạt 327,76 tỷ USD trong năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thu gọn đầu mối giải quyết bồi thường?

Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, nhiều người yêu cầu bồi thường muốn được tạm ứng, vì hoàn cảnh khó khăn và họ đã phải chờ đợi quá lâu, nhưng hiện không có quy định nào để cho tạm ứng.

Để giải quyết vướng mắc này, dự thảo đã bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường. Theo đó, nếu người yêu cầu bồi thường đề nghị, ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay; đề xuất thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường.

Tại phiên họp, trong khi ông Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, phát biểu tán thành quy định này và coi đây là một bước ngoặt, góp phần hiện thực hóa tinh thần của Hiến pháp trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thì ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao lại tỏ ra băn khoăn. “Thương dân thì tốt thôi nhưng phải kín kẽ”, ông Thể nói và dẫn chứng vụ ông Huỳnh Văn Nén xin tạm ứng 1 tỷ đồng, nhưng đang rất vướng mắc.

Tổ chức cơ quan giải quyết bồi thường như thế nào cũng là vấn đề được các đại biểu dự họp quan tâm nêu ý kiến. Được biết, trong 6 năm qua, số vụ việc yêu cầu bồi thường không nhiều (258 vụ việc), chủ yếu tập trung ở cấp huyện, cấp tỉnh. Trong khi đó, ước tính có đến 28.000 cơ quan giải quyết bồi thường ở 4 cấp, từ trung ương đến cấp xã. Nếu giữ mô hình hiện nay thì có quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường, không tương thích với số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường; trong khi lại dàn trải, khó bảo đảm tính chuyên nghiệp. Dự thảo luật quy định theo hướng, tới đây, trong hoạt động hành chính, thi hành án và hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự thì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan cấp trên của cơ quan gây thiệt hại (trừ cấp tỉnh và cấp trung ương). Đối với tòa án và viện kiểm sát thì cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Đối với vấn đề này, ông Lê Hữu Thể lại nêu quan điểm khác: “Không cần thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường. Nguyên tắc là ai sai cấp đó giải quyết bồi thường. Lâu nay có việc đùn đẩy lẫn nhau là do thủ tục không rõ. Phải quy định rõ thủ tục trong luật, càng rõ càng nhanh chứ không phải càng ít đầu mối càng nhanh”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tranh luận: “Nói “ai gây thiệt hại thì bồi thường” nghe rất dễ, nhưng thử hình dung, một bên vừa gây hại cho bên kia, bao nhiêu ấm ức trong lòng giờ lại đến gặp để giải quyết thì cả hai bên tâm lý đều không thoải mái. Hơn nữa, vấn đề quan trọng là nguồn lực. Cấp xã, cấp huyện lấy đâu ra cả chục tỷ đồng để bồi thường. Nếu không giải quyết được thì sẽ lúng túng”...

Tổng kết phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự án luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục