Đêm đông qua tiếng “tắc-rì”

Mùa đông đang phủ dày lên làng mạc phố phường. Chốn quê lạnh tái tê. Người già lại lo hơn với những gia sản nhà nông đang bị rét vùi. Lũ gà là niềm hy vọng của mùa chợ tết đưa ngực hứng gió, chuồng trại tiêu điều giữa chốn bão vừa qua, nay lại gặp gió đông lùa về. Giữa rét buốt canh ba, lại ám ảnh những tiếng “tắc-rì” lùa trâu ra đồng lo chạy mùa giáp hạt của người nông dân nghèo.1.
Đêm đông qua tiếng “tắc-rì”

Mùa đông đang phủ dày lên làng mạc phố phường. Chốn quê lạnh tái tê. Người già lại lo hơn với những gia sản nhà nông đang bị rét vùi. Lũ gà là niềm hy vọng của mùa chợ tết đưa ngực hứng gió, chuồng trại tiêu điều giữa chốn bão vừa qua, nay lại gặp gió đông lùa về. Giữa rét buốt canh ba, lại ám ảnh những tiếng “tắc-rì” lùa trâu ra đồng lo chạy mùa giáp hạt của người nông dân nghèo.

1.
Cuối năm có việc về làng, những ngấn lũ và vết bão còn hằn phía bờ tre. Nhưng người của thôn quê thì vẫn vững vàng đứng dậy giữa bao khó khăn. Thằng Quân bạn học thuở xưa, nay là nông phu chắc nịch nói: “Không gượng dậy thì con cái lấy lưng mô mà tựa, chòm xóm tối lửa có nhau, ai khó thì sớt gạo chia nhau. Năm ni lo nhất mùa đông vẫn là cái ăn”. Nó vốn tay rái cá của làng, bao năm mùa hạ, kiếm đủ thứ dưới sông làm mắm hoặc phơi khô cho vợ con ăn dần mùa đông, nhưng năm nay, tìm mãi chẳng được mẻ cá mẻ tép nào đủ để dự trữ qua bão lũ chứ không nói được cho mùa đông kéo dài.

Xóm nghèo, chừng chục nóc nhà, thằng Quân khá nhất vì sức dài vai rộng. Quanh xóm toàn ông già bà lão, thành ra hắn quán xuyến vườn tược cho nhiều cụ già ở đây. Cụ nào đau yếu, vợ hắn lại đưa cơm nước tới mới báo con cháu cuối làng lên, nhà có gì vợ hắn bới nấy. Bữa cà, bữa dưa, có bữa cá đồng. Nhà nó thảo ăn, xóm nghèo ai cũng thương...

Đồng Thâm Ứ gió lạnh vây chặt, cứa lưỡi rét thun da. Quân bắt tôi mang xà cạp vào, rồi nhảy ùm xuống con mương dài cả cây số. Lại trò bắt cá trốn rét hai bên bờ ao. Nước ngang ngực nhưng thuở nhỏ chúng tôi đã được bày cách bắt cá này từ người làng. Nước giữa kênh lạnh, nhưng hai bên bờ lại ấm, hang hốc của chuột, cua đào chi chít, mỗi hang có ít nhất hai ngách, có khi nhiều hơn. Mùa hè nước rút, chuột ở, mùa đông nước lên cá đến. Tay cứ rà vào đó, gần như hang nào cũng có cá vào trốn đông. Cá bắt lên nhiều vô kể. Nhưng giữa những con cá chắc thịt là rất nhiều con rắn lục đất, rắn mai hai đầu kinh khiếp. Xưa mò có rắn phải vứt đi, nay thằng Quân nói phải bỏ vào oi, về chế biến kỹ ăn tốt lắm, chống rét được vô cùng.

Cá về, nhiều hơn thúng, cả xóm được chia, phần còn lại vợ hắn hơ các bếp cho khô để ăn dần. Bữa đó, vợ con hắn ăn ngon vô cùng, bọn trẻ cười nói, khoe những xương cá to đùa nhau. Bọn rắn đủ loại bị lột da, băm nhỏ, làm ram nhắm rượu, đuổi rét đến tàn canh.

Ông Trần Hữu Tiến, Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình đi mua gà sau bão về nhà om đợi tết. Tục om gà này chỉ còn rải rác một số gia đình ở trong vùng.

Ông Trần Hữu Tiến, Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình đi mua gà sau bão về nhà om đợi tết. Tục om gà này chỉ còn rải rác một số gia đình ở trong vùng.

2. Nhà lão Nghị kế bên, đã 64 tuổi, nhưng ở phố người tuổi đó còn thắm da đỏ thịt, ở quê ông đã dày đặc chân chim trên khuôn mặt khắc khổ. Đêm xuống, ông lùa ba con trâu nhà từ đồng vô chuồng phía cây rơm dày cộm. Tiếng trâu đi lững thững, ông một lúc lại “tắc”, một lúc lại “rì”. “Tắc” là hướng trâu bên phải, “rì” là hướng trâu bên trái. Đời ông, gắn chặt với “tắc-rì” cũng bằng tuổi trên thế gian. Vậy nên tiếng “tắc-rì” của ông lúc khoan, lúc nhặt, lúc bổng, lúc trầm. Ông Nghị ở với tiếng “tắc-rì” của mình trong góc làng, chẳng đi đâu xa khỏi làng. Đời ông chỉ viết được mấy chữ tên tuổi, còn lại ông nói “Cất trong đầu, chẳng cần làm chi, cứ “tắc-rì” là được”. Sự thể ông biết chữ nhiều hơn bởi cha của ông là một đồ nho của làng.

Làng ở bên bờ Kiến Giang, ngoài thượng nguồn Mỹ Trung. Mỗi lần rét về, tiếng “tắc-rì” của ông Nghị lại cất lên sớm hơn, bọn trẻ làng nghe thế cũng nhanh chóng đưa trâu vô chuồng. Ông chắc hơn, lấy bao bố bọc cho ba con trâu của nhà, lão gọi đó là mặc áo cho trâu tránh rét. Phải thương trâu để nó không phụ mình cày bừa vụ chiêm, vụ mùa. Ngoài tiếng “tắc-rì” của ông thì lão còn có tiếng đài bên mình phát ra, cái đài do đứa con đi làm ăn trong Nam mua tặng, nhỏ như bàn tay mà lão nói: “Cái chi nó cũng biết. Tài! Chỉ cần bỏ mấy viên pin là nó nói ngày ni sang ngày khác, không mỏi miệng, nói khối chuyện, đắng cay, ngọt bùi có cả”. Lão có những so sánh kỳ khôi, nghe đài xong, có lúc nhìn mấy con trâu lão nói: “Bọn người nhiều khi thua trâu của ta, trâu ta chỉ có “tắc-rì” mà ngoan mấy chục năm. Người có nhiều đứa học hành tốt mà dao rựa khiếp quá!”.

Trâu lùa về nhà, lão ra chuồng gà. Đàn gà năm nào lão cũng giữ đúng 17 con. Năm nào lão cũng om đúng thế để bán tết 15 con dành tiền cúng giỗ, còn hai con dâng bàn thờ tổ tiên rồi cùng người vợ già xin lộc. Năm nay, gầy lại giống, kiếm quanh xóm bằng tiền, bằng lúa mà chẳng đủ cho vợ chồng lão có đàn gà như ý mọi năm. Lão Nghị rầu rầu nói với vợ: “Bão lụt cuốn cả rồi, chừ qua nhà con mẹt Thu, mẹt Hà, mẹt Vú chẳng còn nữa. Năm ni may lắm thì có ba con gà cóc của mụ Toan cuối xóm thôi”.

3.
Gà gáy hết canh đêm, làng đã cùng lão Nghị “tắc-rì” đưa trâu bò ra đồng. Thằng Quân đánh một giấc cùng tôi cạnh gốc rơm với hai con chó bên đống lửa hồng. Cũng lâu lắm rồi mới ngủ hoang trong vườn nhà hắn sau bữa đưa cay, đuổi rét. Nghe tiếng bước trâu huỳnh huỵch nện xuống hắn đã lao ra khỏi rơm rạ hét vợ dậy ra tháo ràn trâu, xách cày ra đồng. Tôi lao theo, hắn ấn xuống bảo ngủ, sáng dậy có nồi cháo cá vợ hắn đã đun thổi sẵn. Nhưng lâu rồi chẳng biết đồng ruộng thế nào, cũng mang cái xà cạp của hắn mà đi theo đuôi trâu.

Vừa đi hắn vừa nói: “Năm ni bão lũ liên miên, lúa vụ vừa rồi thất bát vì chuột cả vùng, cả khúc ruột miền Trung ni rồi. Thu được mấy thúng thóc đưa vô nhà thì bão cuốn, lũ vùi, lốc cướp sạch banh, nhà cửa nhiều nơi chưa dựng lại được nhưng cái bụng là lo trước tiên đã. Không ăn thì lấy chi mà làm lụng, dựng lại sau thiên tai. Rứa nên làng mình, mấy làng khác trong vùng coi lại sách của ông cha ngày trước mà chạy đói có thể ập ới bất cứ lúc mô. Các họ trong làng còn gia phả có ghi ghi, chép chép cũng có nhiều đận thiên tai xưa tưởng bỏ làng mà đi. Nhưng cha ông có túi khôn riêng mi ạ. Là trồng khoai ở ruộng cao, chỉ cần ba tháng là cứu đói được rồi. Rứa là trưởng thôn động viên bà con trồng khoai. Nhà tau trồng được mấy sào rồi, chừ vun thêm hai sào nữa. Đến giáp hạt là khỏi lo bụng đói”.

Băn khoăn mãi mới biết, làng giờ trồng khoai cứu đói nhưng không lấy khoai ăn như mấy thập niên đói kém trước đây mà có thương lái bao mua, đặt cọc. Tính ra trồng khoai bán ra mua gạo nơi khác về ăn xong lo được vụ chiêm, lúc đó lúa mới vào nhà cũng là lúc thoát đói...

Bữa cuối cùng mời cả xóm bữa cỗ nhà có việc, thằng Quân, ông Nghị, mấy o trong xóm, đám con nít nữa làm xóm quây quần ở nhà thiệt vui. Xóm nghèo nhưng động viên nhau, thành ra tình cảm như người trong nhà. Rượu đuổi rét đến sang canh.

Ông Nghị nói như tổng kết: “Con biết răng không, ở vùng thiên tai vùi dập, giày xéo ở làng ta, ở tỉnh ta, ở miền Trung ta thì làm trong năm để khắc phục trận trong năm, khắc phục xong thì làm tiếp mà tiết kiệm để chờ trận khác của năm khác. Cứ rứa mà kéo dài ra mấy trăm năm lập làng đều rứa, mà gia phả họ hàng mô trong làng cũng đều ghi đó cả. Ở nơi khác, làm được khoai sắn tích tiểu thành đại, họ làm giàu được vì ít thiên tai. Còn dân vùng ta, quần quật quanh năm để lo bão lụt năm tới mà chiến đấu. Bão “tắc” thì dân “tắc”, bão “rì” thì dân “rì”. Ngán chi!”.

Lão Nghị suốt năm thế mà cái lý “tắc-rì” của lão thiệt chí lý. Đêm cuối canh ba, lão lại về nhà, mở chuồng lùa trâu đi theo điệu “tắc-rì” ra đồng lo cày mấy luống khoai để chống bão mùa sau rồi...

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục