Theo Báo cáo, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tính đến ngày 30-9-2017, toàn quốc đóng mới được 761 tàu trong đó có 301 tàu cá vỏ thép (chiếm 39,55%).
Tính đến 15-6-2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 981 tàu, chiếm 50,5% số tàu cá được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, với số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, doanh số cho vay là 8.783 tỷ đồng, trong đó có 394 tàu vỏ thép và vật liệu mới, chiếm gần 40% tàu được ký hợp đồng. Tàu có công suất từ 800 CV trở lên là 568 chiếc, chiếm hơn 58% số tàu đã ký hợp đồng tín dụng. Các tàu đóng mới, nâng cấp sau khi hạ thủy đi vào hoạt động đã đạt hiệu quả rõ rệt, tăng thời gian bám biển, năng suất khai thác tăng từ 30 - 40%, đặc biệt là việc tham gia bảo vệ chủ quyền và cứu hộ cứu nạn trên biển.
Trong đó, có 6 tàu rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin tàu (Công ty TNHH Nam Triệu đóng 1 tàu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng 5 tàu). Nghiêm trọng hơn, có 11 máy chính tàu do Công ty TNHH Nam Triệu đóng hiệu Mitsubishi MPTA không đồng bộ và 1 tàu lắp máy thủy Dosan của Hàn Quốc bị gãy trục cơ. Dự kiến đến 30-10-2017, số tàu bị hư hỏng của tỉnh Bình Định sẽ được khắc phục xong và trở lại hoạt động bình thường.
Qua kiểm tra, đã xác định việc hỏng máy tàu là do Công ty TNHH Nam Triệu mua máy bộ cải hoán lắp xuống tàu không theo đúng hợp đồng với chủ tàu là mua máy thủy. Còn rỉ sét phần vỏ tàu là do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không tuân thủ quy trình sơn, kỹ thuật sơn, kỹ thuật làm sạch bề mặt và sử dụng sơn không đảm bảo chất lượng. Hai công ty này phải chịu toàn bộ chi phí sửa chữa, khắc phục. Ngoài ra, trong quá trình giám sát thi công, cán bộ đăng kiểm cũng chưa tuân thủ các quy trình, quy phạm theo quy định về đăng kiểm. Giám đốc trung tâm đăng kiểm đã nhận kỷ luật cảnh cáo và nhiều cá nhân khác của trung tâm này cũng bị kỷ luật cảnh cáo và khiển trách. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra làm rõ vụ việc trên.