Đền đáp muộn màng

Cuối cùng, sau gần 10 năm đấu tranh không mệt mỏi, những nhân viên tham gia cứu hộ (gồm cảnh sát và lính cứu hỏa) trong vụ khủng bố ngày 11-9 và người thân của họ đã thỏa một phần tâm nguyện.

Cuối cùng, sau gần 10 năm đấu tranh không mệt mỏi, những nhân viên tham gia cứu hộ (gồm cảnh sát và lính cứu hỏa) trong vụ khủng bố ngày 11-9 và người thân của họ đã thỏa một phần tâm nguyện.

Một mong muốn chính đáng tưởng chừng như bị xếp xó nay đã được “hồi đáp” bằng một động thái lẽ ra phải có từ rất lâu. Ngày 2-1, Tổng thống Mỹ B.Obama ký ban hành Luật Bồi thường Y tế James Zadroga, theo tên của một cảnh sát đã hít phải khói độc khi làm nhiệm vụ tại Tòa tháp đôi – Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và anh đã qua đời năm 2006.

Phát ngôn viên Nhà trắng Bill Burton nói rằng sẽ không có buổi lễ ký chính thức nào, ngoài buổi ký ban hành khá lặng lẽ ở Căn cứ Hải quân Kaneohe, Hawaii, gần nơi nghỉ dưỡng của gia đình Tổng thống Mỹ dịp cuối năm.

Luật trên được ban hành đồng nghĩa với việc thông qua gói cứu trợ trị giá 4 tỷ USD dành cho những đối tượng được đề cập. Thế nhưng, nếu so sánh con số này với số tiền gần 800 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ thông qua để cứu trợ kinh tế mới thấy 4 tỷ USD chỉ là con số lẻ.

Chương trình Theo dõi Y tế và Chữa trị đã được thành lập từ năm 2002 để theo dõi tình trạng thể chất và tâm lý của những người đã phải làm việc hay có mặt gần WTC ở thời điểm xảy ra vụ khủng bố và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các chất độc hại như bụi kiếng bể, amiăng, và nhiều loại bụi độc hại khác.

Năm 2006, chương trình đã công bố một bản nghiên cứu cho biết 69% đối tượng trên (khoảng 70.000 người) phải đối mặt với những chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt là những bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Ngoài ra, những báo cáo còn cho thấy nhiều người trung niên làm việc ở khu vực đang mắc chứng ung thư bạch huyết cầu, là chứng bệnh đa phần xuất hiện ở người lớn tuổi.

Những câu chuyện tương tự John Feal - người từng làm việc tại WTC và bị mất một chân, không thiếu. Như cựu sĩ quan cảnh sát Glen Klein, cựu nhân viên cứu hỏa Kenny Specht, hai người đã có mặt kịp thời để làm nhiệm vụ ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra.

Hiện giờ, Glen Klein đang ôm trong mình nhiều chứng bệnh như tiền ung thư ruột, bị suyễn nặng và phải dùng máy thở khi vận động nặng sau quá trình làm việc 9 tháng liên tục tại khu vực WTC. Kenny Specht đã bị cắt túi mật, bị ung thư cùng nhiều chứng bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa và hệ thần kinh dù anh chỉ mới ngoài 40 tuổi.

Oái oăm thay, theo lời của John Feal, ông không cần những lời xưng tụng như một anh hùng để đằng sau đó là thái độ bỏ mặc đến dửng dưng. Ở giai đoạn khó khăn nhất, ông vừa phải đối mặt với việc hạn chế khả năng lao động dẫn đến nghỉ việc, vừa không được hưởng quyền lợi y tế nào khiến ông phải bán tài sản để trả viện phí.

Ông cũng là một trong những người tham gia vận động thông qua Luật Bồi thường Y tế James Zadroga. Ông còn lập ra Quỹ FealGood Foundation ở Long Island để vận động hỗ trợ cho những người đã tham gia công tác cứu hộ ở WTC.

Nhìn lại gần 10 năm xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng và 7 năm người dân New York theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường, kết quả vẫn chưa thỏa đáng. Hơn 30 người đã tự tử trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ mà không còn bao nhiêu tài sản để chữa trị. Họ và những người thân đã chờ đợi quá lâu một sự đền đáp mà họ xứng đáng được nhận. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục