Đó là “lệnh” của cháu tôi mỗi khi thấy đèn tín hiệu giao thông trên đường chuyển sang màu vàng. Cháu vừa tròn 4 tuổi và là đứa trẻ rất đa cảm, thấy người trên phim ảnh khóc, cháu cũng khóc theo. Cháu hiện đang học lớp chồi tại một trường mẫu giáo công lập trong quận. Hàng ngày chúng tôi chở cháu đến trường và đón cháu về nhà bằng chiếc xe máy nên cháu luôn miệng nhắc ông bà mỗi khi đi ra đường là: “Đèn đỏ dừng lại, đèn xanh mới được đi”.
Sở dĩ cháu nhận biết được khi nào được đi và khi nào phải dừng lại là do mẹ cháu chỉ dạy khi ra đường, nhất là lúc cho cháu đứng quan sát dòng xe tại giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Ngoài ý thức chấp hành luật giao thông, cháu tôi còn luôn ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không vứt bỏ vỏ hộp giấy ra đường. Tôi biết được điều này là do sợ cháu bị đói, nên mỗi lần đi đón cháu ở trường mẫu giáo về, chúng tôi thường mang theo hộp sữa tươi hoặc sữa lên men để cháu uống; uống xong, cháu không vứt vỏ ra đường mà giữ lại, chờ thấy thùng rác cháu mới chịu bỏ vỏ hộp sữa. Nhà tôi ở gần kênh Nhiêu Lộc nên mỗi lần nhà còn cơm nguội hoặc cơ quan mẹ cháu liên hoan dư bánh mì, đều gom về cho cá ăn và mỗi lần như vậy, cháu tôi đều dành phần việc thả cơm và bánh mì cho cá ăn. Khi cá ăn xong, cháu đều mang túi ni lông bỏ vào thùng rác cách chỗ cho cá ăn cả trăm mét.
Từ thực tế của cháu tôi, tôi nghĩ việc giáo dục ý thức chấp hành trật tự giao thông và giữ gìn vệ sinh công cộng nên bắt đầu từ tuổi mẫu giáo. Ngành giáo dục đào tạo cũng nên nghiên cứu thống nhất chương trình dạy học ở độ tuổi mẫu giáo vì thấy một số trường công lập tổ chức dạy thêm (có thu phí): tiếng Anh, vi tính, học vẽ, học nhịp điệu… Việc học thêm các môn “năng khiếu” như vậy có phù hợp lứa tuổi các cháu hay không, cũng cần nghiên cứu thống nhất trong trường học nhằm tránh tình trạng trẻ em mẫu giáo cũng bị “phân biệt đối xử” do phụ huynh có tiền, các cháu được học thêm, ngược lại gặp phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, con cháu họ sẽ không có cơ hội học thêm.
Kim Chi