Đến kho vàng lớn nhất châu Âu

Sâu trong lòng đất, tự động hóa hoàn toàn
Đến kho vàng lớn nhất châu Âu

Vài tháng trở lại đây, không thấy những lời kêu gọi các ngân hàng trung ương bán ra vàng dự trữ. Giá vàng tăng lên vùn vụt. Các thỏi vàng bỗng như trở thành chuyện nóng của hệ thống tài chính. Trong bối cảnh đó, địa điểm cất vàng dự trữ của Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ  trở thành một đề tài thời sự của nước này. Chỉ số it đại biểu thuộc Ủy ban tài chính Liên bang được biết địa điểm chính xác của kho vàng này. Phóng viên tờ Le Temps đã đến thăm địa điểm cất giữ vàng lớn nhất châu Âu…

Sâu trong lòng đất, tự động hóa hoàn toàn

Đó là một thành phố nhỏ dường như không có tuổi, nằm gần dãy núi Alpes. Những chuyến tàu tốc hành từ Bâle (Basel) đi xuống hay từ Genève, Berne ngược lên Zurich giao nhau ở đây. Olten (Tây Bắc Thụy Sĩ), thành phố êm đềm với 17.000 dân, một ngôi nhà thờ cổ kính, một cây cầu gỗ xưa bắc ngang dòng Aar, chính là nơi ẩn náu kho tàng lớn nhất châu Âu: Hầm chứa vàng nằm sâu 20m trong lòng đất, hoàn toàn tự động hóa, được mệnh danh là “Fort Knox Thụy Sĩ” (tên thành phố thuộc bang Kentucky, nơi cất giữ vàng của Cơ quan Ngân khố liên bang Mỹ).

Thành phố Olten, Thụy Sĩ

Thành phố Olten, Thụy Sĩ

Tòa nhà có dáng dấp hiện đại giống như văn phòng của một công ty tin học, nằm trên góc phố nhỏ giữa một khu dân cư yên tĩnh, mặt tiền mang hình một tảng băng mạ vàng. Là một trong những địa điểm được canh giữ cẩn mật nhất đất nước nhưng người ta dường như không nhận thấy có sự kiểm tra nào quá đáng khi đến thăm nơi đây. Không có lính canh đeo súng đứng ở từng góc nhỏ. Họ chỉ xuất hiện khi có các cuộc giao hàng vào mỗi tuần.

Một chiếc thang máy đưa khách xuống căn hầm làm bằng bê tông được bao quanh bởi nước ngầm (con sông nằm cách đấy không xa) với hai lớp thành (“giống như một cái ly chồng lên một cái ly khác vậy” – một nhân viên giải thích). Căn hầm khiến người ta ngạc nhiên vì sự giản dị của nó, màu sơn trắng làm liên tưởng tới các phòng thí nghiệm vật lý nguyên tử. Nhưng cánh cửa duy nhất dẫn vào gian phòng thì khác: Nó dày tới 1m, ở giữa có một bàn phím.

Một chiếc cầu bằng kim loại dẫn vào gian phòng khổng lồ rộng gần 1.000m². Giữa phòng, hàng chục ngàn chiếc hộp nhựa màu xanh lá cây hay màu ghi được xếp chồng lên cao tới 15m, bên trong chứa các loại giấy tờ có giá trị, các hợp đồng, hồ sơ dữ liệu hay các thỏi vàng… được lấy ra cất vào bởi các robot tự động. “Nhân viên của chúng tôi không cần rời khỏi chỗ ngồi, có thể thông qua máy tính của họ tìm ra thứ mà họ cần”, một người có trách nhiệm cho biết.

Thế giới tài chính “thời Trung cổ”

Ở đây còn có những “chiếc lồng” đơn giản được dùng để cất giữ các thỏi vàng của các nhà băng. Chúng được xếp trên những vỉ bằng gỗ, bên dưới lót cạc tông. 21 tấn vàng, tương đương với 753 triệu franc Thụy Sĩ, của quỹ đầu tư Physical Gold đang “ngủ” trong bầu không khí mát lạnh của hầm ngầm Olten như thế (chỉ trong vài tháng, lượng vàng tàng trữ của quỹ này đã tăng từ 9 tấn lên 21 tấn). Mỗi cổ phiếu của quỹ tương ứng với một phần của khối vàng này mà giá cả trên thị trường đang biến đổi không ngừng.

Những tấm bạt bằng nhựa treo quanh “lồng” ngăn những ánh mắt tò mò nhìn sang khối tài sản của các nhà băng khác nằm kế bên. “Nhà băng nào?” – “Bí mật!”. Có bao nhiêu tấn vàng trong gian hầm này? – “Bí mật!”. “Vàng của Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ cũng được cất giữ ở đây phải không?” – “Rất tiếc đã làm ngài thất vọng!”. Quỹ đầu tư Quantex Strategic Precious Metal cho hay họ cũng gửi 600kg vàng và 23 tấn bạc ở Olten. Như thế, “Olten có thể cất giữ tới hàng chục tỷ đô la, thậm chí nhiều hơn?” – “Bí mật!”.

Mỗi thỏi vàng đều được ghi ký hiệu, đánh số, kèm theo độ tinh khiết.

Mỗi thỏi vàng đều được ghi ký hiệu, đánh số, kèm theo độ tinh khiết.

Chẳng có gì lấp lánh dưới ánh sáng dịu của những chiếc đèn nê ông. Cả những khối vàng nặng trĩu trị giá 400.000 franc một thỏi cũng thế. Nhiều thỏi mang dấu ấn của xưởng đúc vàng Metalor vùng Neuchâtel (Tây Thụy Sĩ). Những thỏi đến từ Australia thì có màu xỉn hơn, hình dáng giống như cục gạch. Mỗi thỏi đều được ghi ký hiệu, đánh số, kèm theo độ tinh khiết để có thể đánh giá được chính xác lượng vàng chứa trong nó: 12,5172kg với thỏi mang số 1; 12,0395kg với thỏi mang số 1275…

“Chúng được “nhận diện” ngay sau khi ra khỏi lò đúc” – nhà chuyên môn của quỹ Physical Gold cho biết. Tại sao không cất vàng tại trụ sở của nhà băng trên phố Bahnhof ở Zurich? – “Hầm để cốp của chúng tôi đón tiếp cả các khách hàng cá nhân. Mặt khác, nền hầm không đủ cứng để chịu đựng được sức ép 6-7 tấn trên 1m² khi các khối vàng được đặt chồng lên nhau như vậy, ông giải thích. Hơn nữa, khi sử dụng dịch vụ của các công ty chuyên chở ngân lượng như SIX SIS, với các xe tải chuyên dụng bọc thép, cũng như việc thực hiện các bước kiểm tra kế toán… sẽ đơn giản hơn”. 

SIX SIS thuộc sở hữu của các ngân hàng Thụy Sĩ, hãng có 450 nhân viên thì đã có 350 người làm việc ở Oltel. Nhiệm vụ của họ không chỉ là canh gác khối tài sản nằm trong lòng đất, mà công ty còn chuyên việc “quản lý hạ tầng” ngành tài chính như xử lý thông tin các vụ mua bán trên thị trường chứng khoán, ghi nhận cổ phiếu, quản lý các thủ tục, quy định dành cho quỹ đầu tư… Năm 2007, công ty thu về 70 triệu franc lợi nhuận.

“Không được ghi tên các nhân viên (làm việc ở Olten), không được chụp hình toàn cảnh các cốp (chứa tài sản), không được miêu tả tỉ mỉ những chi tiết có thể gây hại cho công tác an toàn, bảo vệ”, người có trách nhiệm của kho giữ vàng nhắc nhở.

Cánh cửa dày khép lại, để lại phía sau một thế giới tài chính có phần cũ kỹ, cổ hủ, so với cái thế giới hiện đại với những sản phẩm tài chính phức tạp hiện đang lâm vào cơn khủng hoảng.

Hầm ngầm Olten được xây cất từ năm 1992, tốn 65 triệu franc – 11 triệu franc cho riêng gian chứa vàng, thiết kế ban đầu cho phép mở rộng từ từ. Vào cuối những năm 1990, khi cụm từ “phi vật thể hóa” được dùng để định nghĩa ngành tài chính “kiểu mới” thì việc xây dựng một cơ sở như vậy dường như là điều khá nực cười…

Nguyễn Vũ (theo Le Temps)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục