(SGGP).- Ngày 8-12 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổng kết 5 năm thực hiện phong trào xây dựng giai đoạn 2010-2015 và đề ra những giải pháp chiến lược cho giai đoạn mới 2016-2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay cả nước đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch và có 98,7% số xã đạt tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới. Sau 5 năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng chương trình đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với số tiêu chí bình quân là 12,9 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí theo mục tiêu đề ra. Cả nước có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010). Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, Nhà nước vẫn ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình. Trong 5 năm, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) 266.785 tỷ đồng (31,34%), tín dụng 434.950 tỷ đồng (51%), doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (12,62%). Riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 98.664 tỷ đồng (11,59%). Trong đó, ngân sách trung ương 16.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương các cấp 82.264 tỷ đồng.
Một góc xã nông thôn mới Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành, Long An)
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự làm thay đổi bức tranh làng quê và vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X đã đề ra (hiện mới đạt 14,5%). Các xã đã tập trung cao phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nhưng các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới do cấp xã đảm nhận nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình. Có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền, trong khi số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới Đông Nam bộ là 34%, đồng bằng sông Hồng là 23,5% thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%.
Ban chỉ đạo Trung ương chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xác định mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đảm bảo có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ, được nhân dân ủng hộ và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Quốc hội cũng vừa ban hành nghị quyết xác định không thay đổi mục tiêu đến năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện cả nước vẫn còn khoảng 3.000 xã thuộc Chương trình 135 và trong giai đoạn tới cần tập trung vào những xã này để giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần huy động các thành phần tham gia, đặc biệt là tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và phong trào xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao những kết quả phong trào đã đạt được sau 5 năm thực hiện. Thủ tướng cho rằng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới mặc dù chưa đạt mục tiêu 20% như đã đề ra nhưng có nhiều sự đổi thay rõ rệt, đặc biệt là về số tiêu chí bình quân từ 4,7 tiêu chí vào năm 2010 hiện đã đạt được 13,9 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,9 lần, số hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 8,2%. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, điển hình tốt. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để đạt 50% số xã nông thôn mới theo nghị quyết đã đề ra cho 5 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải cùng nỗ lực thực hiện. Phải rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, muốn doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn phải tạo ưu đãi về đất đai, thuế… Hiện chúng ta còn 50% lao động trong nông nghiệp làm ra 15% GDP nhưng năng suất lao động còn thấp. Muốn rút lao động ra khỏi nông nghiệp thì cần phải có chính sách hỗ trợ cho chính doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực cho chính họ bên cạnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho chương trình, cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, tập trung chăm lo nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ở nông thôn theo hướng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “cả nước chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới”.
VĂN PHÚC