Năm 2009, trong chuyến đi trở lại Trường Sơn, khi đến Hang 8 cô, chúng tôi bày tỏ ý định đi tiếp lên A-T-P - trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất trên tuyến đường 20 Quyết thắng, các nhân viên khu di tích Hang 8 cô ngăn cản. Theo họ, đường rất xấu, nếu không phải xe tải 2 - 3 cầu hoặc xe Uóat thì không thể đi được. Trời đã chiều, mưa lất phất, chúng tôi đành phải thắp nén nhang, đứng giữa đường khấn vọng các liệt sĩ để có dịp trở lại, đến được trọng điểm A-T-P thăm các anh, các chị còn nằm lại.
Khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP được triển khai thực hiện, nhiều lần, tôi đặt vấn đề với Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình cho tôi “quá giang” lên Đồn biên phòng Cà Roòng, nhưng đều bị từ chối, vì thời tiết và đường quá xấu, không xe nào đi được. Anh hẹn tôi… cứ đợi đấy!
Đường 20 Quyết thắng năm xưa
Năm 1971, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường, đường 20 là chặng cuối cùng chúng tôi được ngồi xe tải. Lúc ấy là thời điểm ngừng bắn tạm thời nên xe có thể chạy vào buổi chiều. Trên đầu không có tiếng máy bay, không có bom đạn trút xuống nhưng cảnh tượng con đường quanh co, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, đất đá bị bom đạn cày xới nham nhở, cây cối cháy đen chết đứng giữa trời… thì không thể nào quên. Sau này, đọc lại những hồi ức của các cựu chiến binh Trường Sơn viết về những ngày tháng sống và chiến đấu bảo vệ con đường, mới biết đó là chiến trường ác liệt nhất, gian khổ nhất, hy sinh nhiều nhất.
Ở đó có những đại đội xe bị máy bay C130 gắn thiết bị hồng ngoại phát hiện, truy đuổi, bắn cháy không còn một chiếc. Ở đó có cả tiểu đội công binh hy sinh khi đang vần đẩy quả bom nổ chậm, không ngờ lại là bom chạm nổ, khiến không một ai còn nguyên vẹn thân xác. Ở đó có rất nhiều nữ TNXP hàng đêm khoác dù trắng làm cọc tiêu cho xe đi, bom đạn từ máy bay Mỹ bắn xuống, người này ngã thì người khác lại đứng vào thế chỗ…
Hơn 30 năm sau hòa bình, đã có hàng ngàn hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Trường Sơn hoặc cất bốc về quê hương. Nhưng vẫn còn không ít những liệt sĩ không thể quy tập hay cất bốc vì thân xác họ đã tan vào cỏ cây sông suối Trường Sơn. Đường 20 với các trọng điểm A-T-P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhích), ngầm Cà Roòng… là nơi có nhiều liệt sĩ đang nằm lại như thế. Ấy vậy mà hơn 30 năm sau giải phóng, để trở lại “chiến trường” A-T-P, không phải là điều dễ dàng.
Đền tưởng niệm ngày nay
Một trong những mục tiêu của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP là xây đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại những tọa độ lửa, những trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh. Được sự “cố vấn” của các tướng lĩnh cựu chiến binh Trường Sơn, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã chọn A-T-P là một trong 5 điểm xây dựng đền tưởng niệm. Chúng tôi đem ý tưởng ấy trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Phong. Và bằng sự đồng cảm, vị trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã đồng ý và đề nghị được đi đến tận nơi để thấy tận mắt…
Tháng 2-2012, trước khi tổ chức gala Nghĩa tình Trường Sơn lần thứ 2, được sự đồng ý của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Thượng tọa Thích Thanh Phong cùng chúng tôi ra Quảng Bình. Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình đã bố trí một xe Uóat với một sĩ quan lái xe quen thuộc địa hình đón chúng tôi và đi thẳng lên đường 20. Tháp tùng thầy Thanh Phong còn có thầy Thích Trung Sơn, trụ trì chùa Kim Sơn ở núi Thần Đinh, trong tỉnh Quảng Bình. Thầy Sơn lái xe Santafe tự tin là “nơi nào cũng có thể đi đến được”.
Thế nhưng, chỉ mới qua Hang 8 cô chưa được 1km, đã gặp ngay một thử thách. Mặt đường bị bánh xe tải hạng nặng cày thành hai rãnh sâu hoắm, đầy bùn nhão, mô đất ở giữa nổi cao cả nửa mét. Thầy Trung Sơn lắc đầu, tìm đường quay xe gửi ban quản lý khu di tích rồi chấp nhận phương án ngồi 4 ở băng ghế sau của xe Uóat. Chiếc xe Uóat bắt đầu “chấp nhận thử thách”, một bánh trong bùn, một bánh trên gờ, thùng xe nghiêng hẳn như muốn lật úp, cứ thế mà bò. Gặp chỗ trơn quá, bánh xe không bám được thì bác tài lại cài số de, ủi lên vệt đường khác. Cứ thế, chiếc xe lúc nghiêng trái, lúc lật phải, lúc chúi xuống, lúc trườn lên, vật vã. Thầy Thanh Phong được ưu tiên ngồi ghế trước và mặc dù đã thắt đai an toàn, nhưng chỉ sau 1 giờ trong tư thế “đánh vật” ấy, đã nửa đùa nửa thật: “Đường sá thế này, chắc lên được đến nơi, tôi xin tu trên này luôn quá…”.
Tuyến đường 20 Quyết thắng trong chiến tranh dài hơn 70km nhưng qua nhiều lần nắn tuyến, đã rút ngắn còn hơn 60km. Từ Hang 8 cô là cột cây số 16, lên đến Đồn biên phòng Cà Roòng là cây số 67, chỉ hơn 50km nhưng xe chúng tôi đi hết hơn 5 giờ đồng hồ. So với ngày xưa thì tuyến đường tuy vẫn giữ được vẻ nguyên sơ nhưng xấu hơn nhiều vì không có người duy tu bảo dưỡng. Đến cua chữ A - một trong 3 trọng điểm khốc liệt nhất và cũng là trọng điểm duy nhất nằm trên đất Việt Nam (2 trọng điểm khác, ngầm Ta Lê và đèo Phulanhích đều nằm trên đất bạn Lào - NĐ), mặc dù trời đã chạng vạng nhưng tất cả đều xuống xe. Không có bàn thờ, lư hương, chúng tôi cũng cứ đốt nhang và cắm nhiều nơi, từ hốc cây, bụi cỏ, tảng đá xung quanh rồi cúi đầu mặc niệm. Không gian bỗng trở nên linh thiêng lạ thường, Đồng đội như đang tụ về theo tiếng kinh cầu và mùi nhang trầm thoang thoảng… Cua chữ A tuy không còn gấp khúc như ngày xưa nhưng thung lũng phía dưới, triền đồi phía trên vẫn còn đó, chỉ khác là cây cỏ đã mọc dày…
Sáng hôm sau, từ đỉnh cua chữ A, chúng tôi vẹt cây đạp cỏ mở lối tìm địa điểm có thể xây dựng đền. Từ độ cao khoảng 100m so với mặt đường 20, có một vị trí khá bằng phẳng trên sườn núi. Đứng từ đó nhìn thẳng xuống, cua chữ A và thung lũng như một sân chầu thoáng rộng. Phía sau, dãy núi như một điểm tựa vững chãi. Thượng tọa Thích Thanh Phong vui mừng khi nhận ra một nơi có thể chọn làm địa điểm xây đền vừa ngay trọng điểm, vừa đáp ứng được các yêu cầu về phong thủy. Đứng ở điểm cao trên cua chữ A ấy, thầy Thanh Phong phác thảo không gian kiến trúc cho một quần thể di tích lịch sử tâm linh. Để mai này, khi con đường từ Hang 8 cô được sửa chữa nâng cấp cho các loại xe có thể lưu thông thì đây sẽ là một điểm đến của du khách hành hương khi đến với vùng biên giới Quảng Bình vốn có rất nhiều điều lạ lẫm…
Một tuần sau chuyến đi ấy, trong gala Nghĩa tình Trường Sơn lần thứ 2 tổ chức tại Nhà hát TPHCM, với đề xuất của Thượng tọa Thích Thanh Phong, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng ký tài trợ 10 tỷ đồng để xây dựng đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trên trọng điểm A-T-P. Con đường 20 do UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình làm chủ đầu tư sửa chữa nâng cấp từ năm 2011 cũng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Hy vọng, không xa nữa, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP sẽ tổ chức khởi công xây dựng ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại cua chữ A, từ nguồn tài trợ 10 tỷ đồng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết, trước ngày đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xin phép tổ chức đại lễ cầu siêu linh hồn các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở trọng điểm A-T-P cũng như trên toàn tuyến đường 20 Quyết thắng… Ngày ấy, nơi mảnh đất thiêng này sẽ là một ngày hội…
Nguyễn Đức