Đến với Cồn Cỏ hôm nay

Nằm cách đất liền Quảng Trị gần 30km, Cồn Cỏ dần trở thành đảo dân sự kiểu mẫu của những người con nước Việt đang ngày đêm vững vàng xây cuộc đời mới nơi “vọng gác tiền tiêu” Tổ quốc trên Biển Đông.
Lễ chào cờ trên đảo Cồn Cỏ

Lễ chào cờ trên đảo Cồn Cỏ

Cồn Cỏ với diện tích khoảng 4km2, hình dáng như chiếc bát khổng lồ úp xuống mặt biển, được coi là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Từ thị trấn Cửa Việt (Quảng Trị) ra đảo bằng tàu cao tốc tầm 50 phút, thay vì tàu cá mất 2 giờ. So với 10 năm trước, những ai từng đến đảo dễ bị choáng ngợp trước những đổi thay nơi đây. Màu xanh rừng nguyên sinh bao trùm, những bãi biển hoang sơ, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ khiến Cồn Cỏ mang dáng dấp một khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Những con đường bê tông chạy ngang, chạy dọc dưới bóng cây xanh mát ôm lấy trường học, trụ sở các cơ quan và những dãy nhà dân kiên cố bên thềm đảo. Hệ thống phát thanh - truyền hình huyện đảo cập nhật tin tức hàng ngày… Tiếng hát của cô giáo trẻ và tiếng bi bô tập nói của các em bé ở Trường Mầm non Hoa Phong Ba vang vọng như một cam kết của quân dân đảo Cồn Cỏ với Tổ quốc về nhiệm vụ bảo vệ “vọng gác tiền tiêu” trên Biển Đông.

Hiện nay, Cồn Cỏ có 22 hộ với 86 nhân khẩu, người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản, làm du lịch và dịch vụ. Anh Võ Văn Sáng (ngụ thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đưa cả gia đình ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp từ năm 2018, chia sẻ, anh làm nghề đánh bắt hải sản quanh đảo, những hôm thời tiết êm thuận, anh kiếm được 1-2 triệu đồng. Cuộc sống của bà con ổn định hơn xưa rất nhiều, mọi người xem nhau là một gia đình lớn, ai cũng đồng lòng mong muốn huyện đảo phát triển hơn.

Anh Hồ Hưng là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng homestay trên đảo gồm 4 phòng ngủ, nhà hàng, 2 xe điện ở làng Thanh Niên để phục vụ du khách. Anh bật mí: Du khách đến với Cồn Cỏ bây giờ không còn lo việc sử dụng nước tiết kiệm, điện có cả ngày lẫn đêm, muốn đi tham quan có xe điện đưa đón, được thưởng thức những loại hải sản tươi ngon, chất lượng và đặc trưng ở đây mới có.

Du khách tham quan rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ

Du khách tham quan rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ

Ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các công trình đã được phê duyệt, trong đó tập trung vào hạ tầng du lịch. “Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và địa phương, Cồn Cỏ đã tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình đầu tư đã và đang tạo nên diện mạo mới cho Cồn Cỏ, đáp ứng được các nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Cùng với việc tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế, Cồn Cỏ đang tìm mọi cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Cồn Cỏ kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành “tam giác” du lịch biển, đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương. Qua đó, góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch của đảo với nhiều hình thức, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và hiệu quả, gắn với bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái, xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch tương xứng với vai trò, vị trí của một hải đảo tiền tiêu giàu truyền thống lịch sử trên vùng biển Quảng Trị và cả nước.

Tin cùng chuyên mục