Đèo Đá Đẽo

Trên cung đường Trường Sơn huyền thoại, đèo Đá Đẽo là một trong những cung đèo hiểm trở và nổi tiếng dưới mưa bom bão đạn thời đánh Mỹ. Nơi đây đã xuất hiện một người con gái anh hùng mang tên Đinh Thị Thu Hiệp.
Đèo Đá Đẽo

Trên cung đường Trường Sơn huyền thoại, đèo Đá Đẽo là một trong những cung đèo hiểm trở và nổi tiếng dưới mưa bom bão đạn thời đánh Mỹ. Nơi đây đã xuất hiện một người con gái anh hùng mang tên Đinh Thị Thu Hiệp.

Từ Đồng Hới theo đường Hồ Chí Minh lên đèo Đá Đẽo khoảng 100km được trải nhựa phẳng lì. Ẩn mình dưới rặng rừng xanh biếc, giữa mây phủ bảng lảng, trên đỉnh đèo có tấm bia di tích, ghi: “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972”. Tám năm dài, không một ngày nào ở trọng điểm này ngơi bom đạn.

Khi những tuyến đường 12, 20 bị bắn phá, việc chi viện vượt trọng điểm đèo Đá Đẽo là vô cùng quan trọng. Nhưng đèo Đá Đẽo vẫn được thông suốt bởi lực lượng TNXP bảo vệ đường. Những bàn tay trần, những đôi chân nhỏ thoăn thoắt hàn gắn từng mảnh đường bị đứt đoạn bởi hố bom, mồ hôi công sức của những người giữ đường quện lẫn với máu, mồ hôi, nước mắt và sinh mạng ngã xuống.

Trên đỉnh đèo Đá Đẽo.

Trên đỉnh đèo Đá Đẽo.

Địa danh Đá Đẽo hình thành xuất phát từ việc cung đèo làm trên nền núi đá vôi, người đi đầu phải đẽo đá để đi. Việc mỗi chuyến xe vượt được cung đèo này là thành công vô cùng to lớn, không từ ngữ nào có thể mô tả.

Trên cung đèo này có một nữ anh hùng mà khi nhắc đến, lịch sử ngành giao thông vận tải luôn dành những trang viết trân trọng. Đó là người con gái Đinh Thị Thu Hiệp, được mệnh danh là nữ trung đội trưởng thép, được phong anh hùng vào năm 1972. 18 tuổi chị viết đơn gia nhập TNXP, thân hình gầy gò, chỉ trên 35kg một chút nhưng đã khuân nhiều kiện hàng hơn 60 cân chạy băng qua bãi bom mìn nổ chậm.

Nhiều lần bị bom hất văng nhưng chị vẫn gượng dậy tiếp tục công việc giữa khói thuốc nóng chảy. Chị kể: “Tôi còn nhớ như in chiến dịch 97 ngày đêm năm 1966, không quân Mỹ tập trung chặt đứt cung đèo Đá Đẽo. Bom đạn mù trời. Toàn bộ lực lượng đều bám mặt đường cho thông xe. Mấy lần đồng đội tìm lôi tôi khi tôi bị vùi kín dưới đất đá”. Năm 1970, chị lập gia đình. Chồng chị cũng là TNXP.

Năm 1976, chồng chị mất trong một tai nạn giao thông. Chị ở vậy cho đến bây giờ. Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương ngày nào lại tái phát. Bốn đứa con của chị đều ở nhà làm ruộng. Với một chút phụ cấp bệnh binh và khoản tiền anh hùng, chị sống cuộc đời thanh đạm.

Nay đèo Đá Đẽo thanh bình, rừng núi hồi sinh, những thân cây cao vút hiên ngang, che lấp mọi vết thương chiến tranh. Đèo là địa chỉ hành hương không thể thiếu của hành trình trở lại Trường Sơn huyền thoại của nhiều du khách gần xa. 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục