Dệt zèng xuất ngoại

Không những tiên phong bước qua luật tục để truyền nghề truyền thống của dân tộc mình cho những người trẻ của dân tộc khác, chị Mai Thị Hợp, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) dân tộc Tà Ôi còn nỗ lực đưa sản phẩm dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ra thế giới.

Không những tiên phong bước qua luật tục để truyền nghề truyền thống của dân tộc mình cho những người trẻ của dân tộc khác, chị Mai Thị Hợp, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) dân tộc Tà Ôi còn nỗ lực đưa sản phẩm dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ra thế giới.

Độc đáo vẻ đẹp truyền thống

A Lưới buổi chiều êm ả trong màn sương lạnh, chúng tôi may mắn được gặp nghệ nhân Mai Thị Hợp (người được phong tặng danh hiệu NNƯT vào năm 2015) khi chị vừa trở về sau chuyến xuất ngoại nửa vòng trái đất, đưa zèng của đồng bào Tà Ôi đi quảng bá với bạn bè quốc tế tại Pháp. Nghệ nhân Mai Thị Hợp say sưa kể về hành trình khôi phục và phát huy giá trị nghề dệt zèng truyền thống, như báu vật mà trời đất tặng riêng cho đồng bào Tà Ôi giữa đại ngàn Trường Sơn.

Đồng bào Tà Ôi với trang phục truyền thống được tạo ra từ zèng rộn ràng nhảy múa trong tết cơm mới

Trong tất cả các ngành nghề truyền thống của đồng bào các tộc ít người sinh sống ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, dệt zèng của người Tà Ôi hình thành và phát triển sớm nhất. Ngoài thời gian canh tác nương rẫy, phụ nữ Tà Ôi thường ngồi bên khung cửi miệt mài dệt zèng. Công việc không chỉ phục vụ nhu cầu may mặc cho người thân trong gia đình mà còn là sản phẩm thủ công thể hiện đặc trưng của điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội nơi người Tà Ôi cư trú. Trên nền màu rất đậm, lấy màu đen, đỏ và xanh làm chủ đạo, họa tiết hoa văn trên mỗi tấm zèng là biểu tượng của sự giao hòa giữa con người với đất trời, là đặc điểm độc đáo của nghề dệt zèng trong hệ thống thổ cẩm tại Việt Nam. Đặc biệt, trong quan niệm của người Tà Ôi xưa, kỹ thuật dệt zèng được xem là thước đo chuẩn mực để cộng đồng đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người con gái trước khi lập gia đình.

Giống bao thiếu nữ Tà Ôi, chị Mai Thị Hợp được mẹ truyền dạy kỹ năng dệt zèng ngay từ tấm bé. “Những cây bông trên rừng đưa về, qua nhiều công đoạn phơi khô, tách lấy bông, bật bông, cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi... Khi đã có sợi, người ta nhuộm màu bằng các loại lá, vỏ, củ, rễ cây khác cũng khai thác từ núi rừng. Sau đó, phơi khô rồi cuộn lại thành búp để dệt. Ở công đoạn dệt, người thợ khéo léo điểm thêm những hạt cườm nhỏ xíu như hạt tấm, tạo điểm nhấn hoa văn trên mỗi tấm zèng” - nghệ nhân Mai Thị Hợp chia sẻ.

Zèng xuất ngoại

Vào đầu thập niên 2000, hầu hết các bản làng Tà Ôi, chủ yếu sinh sống ở khu vực biên giới Việt - Lào thuộc hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị chỉ còn lác đác vài người cố giữ nghề dệt zèng truyền thống, quanh quẩn với vài mẫu mã cũ kỹ để may áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... trong khi cây bông làm sợi có sẵn từ núi rừng dần cạn kiệt khiến nghề dệt zèng ngắc ngoải trước nguy cơ thất truyền. Là người con của đồng bào Tà Ôi, có kỹ nghệ dệt zèng điêu luyện, lại là đảng viên đang công tác tại Hội Phụ nữ xã A Đớt, huyện A Lưới nên nghệ nhân Mai Thị Hợp hiểu rất rõ cái giá của sự mất mát này. Nhưng chị cũng nhận ra rằng, nếu chỉ để phục vụ trong gia đình với những mẫu mã đơn điệu thì zèng truyền thống khó có chỗ trên thị trường, nhất là khi vải Trung Quốc đang lấn át.

Chị Hợp suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đi đến quyết định khôi phục nghề dệt zèng bằng việc thay thế hạt cườm từ chì sang nhựa; sợi kéo từ bông thay bằng sợi bông vải đã xe sẵn ở dưới xuôi. Những sợi bông vải được chọn lọc kỹ lưỡng, xếp thành từng lọn, rồi cho vào nồi đồng, hoặc nồi đất loại to, nấu trong nhiều giờ liền. Sợi bông săn chắc lại thì vớt ra, cạo thật nhẵn, tách thành sợi nhỏ, phơi lên giàn tre cho khô ráo. Chế biến thuốc nhuộm từ những củ cây rừng là khâu quan trọng nhất, quyết định độ bền và giá trị màu sắc hoa văn của mỗi tấm zèng.

“Rất nhiều nhà thiết kế thời trang tại Huế, Hà Nội và TPHCM khi tiếp xúc đã ủng hộ và hứa đồng hành trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm zèng cải tiến để phục vụ trang trí nội thất. Zèng là chất liệu tốt để có thể thực hiện nhiều sản phẩm như rèm, drap, khăn bàn, khăn ăn, ghế sofa, đèn trang trí... Nhưng thời điểm đó, rất nhiều người Tà Ôi đã bỏ nghề dệt zèng từ lâu, lớp trẻ thì nhiều người không biết. Muốn khôi phục nghề này phải tập hợp được những người có tay nghề cao, sau đó truyền dạy nghề cho những người trẻ trong vùng, không phân biệt dân tộc. Song khi mình đưa ra ý kiến đó, ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình, vì luật tục xưa nay không được truyền nghề zèng truyền thống cho người ngoài” - nghệ nhân Hợp chia sẻ.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp (thứ 2 bên trái) đang hướng dẫn chị em phụ nữ thị trấn A Lưới dệt zèng

Kiên trì thuyết phục với lý lẽ tự nhiên, không còn người dệt thì nghề zèng truyền thống sẽ biến mất theo năm tháng, mọi người trong gia đình đã dần hiểu và ủng hộ. Chị Hợp ngày đêm băng rừng, lội suối, vừa vận động chị em phụ nữ thạo nghề trở lại, phát huy bản sắc nghề dệt zèng truyền thống, vừa truyền nghề cho người chưa biết bằng việc thành lập các hợp tác xã dệt zèng tại xã A Đớt và thị trấn A Lưới. Chưa dừng lại, chị còn chủ động liên hệ tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và các kỳ Festival Huế để trực tiếp tham gia giới thiệu, quảng bá về nghề dệt zèng truyền thống.

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2015, lần đầu zèng A Lưới lên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, khiến các chuyên gia đến từ ban tổ chức lễ hội quốc tế dệt may tại TP Clermont-Ferrand (Pháp) khi chứng kiến phải thốt lên rằng: “Đây là sản phẩm duy nhất, rất độc đáo và rất phù hợp với xu thế thời trang hiện đại của thế giới!”. Tiếp đó, nghệ nhân Mai Thị Hợp còn mạnh dạn đưa sản phẩm dệt zèng hội nhập vào dòng chảy thời trang quốc tế tại Festival áo dài diễn ra ở Hà Nội năm 2016; quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới với các nước châu Âu cùng các nghệ nhân nghề truyền thống ở Ấn Độ và Philippines.

Trên sàn diễn thời trang Ngày hội Kimono ở Nhật vào năm 2015, cùng với những tấm zèng đã được các nhà thiết kế biến hóa thành các bộ trang phục để người mẫu trình diễn, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã gây chú ý đối với các nhà thiết kế quốc tế và du khách chính là bộ khung dệt zèng độc đáo, lạ lùng: thân hình (phương dọc) và đôi chân (hai đường chéo) trở thành “bộ khung” chính. Số còn lại là hơn 10 thanh gỗ và tre nứa (theo phương ngang) mắc sợi thông qua sự luồn lách khéo léo của đôi bàn tay. Đặc biệt là kỹ thuật xâu cườm vào zèng trong lúc dệt để tạo thành những hoa văn nổi lên trên nền vải. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam.

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đầu năm 2017, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới hân hoan đón danh hiệu dệt zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong niềm vui chung đó, người ta nhắc đến tên một người phụ nữ dân tộc Tà Ôi, đó là nghệ nhân Mai Thị Hợp. Bằng tâm huyết và vượt qua bao khó khăn, thách thức, chị Hợp đã góp phần khôi phục, phát triển nghề dệt zèng truyền thống mà tổ tiên để lại. Qua đó, góp phần đưa nghề dệt zèng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện miền núi A Lưới.

Hiện A Lưới đã có nhiều hợp tác xã sản xuất zèng quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, các xã A Đớt, Nhâm và A Roàng. Những tấm zèng mà người phụ nữ các dân tộc A Lưới sáng tạo sau những giờ lên rẫy giờ đây không chỉ để may mặc mà còn là nguyên liệu tạo ra những mặt hàng lưu niệm như ví, túi xách... Trung bình một tấm zèng được bán từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng. Nhờ đó mà thu nhập bình quân của mỗi gia đình tăng thêm 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện kinh tế cho mỗi hộ gia đình. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, chung tay của cả cộng đồng các dân tộc A Lưới tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt zèng truyền thống cho thế hệ trẻ giữa đại ngàn Trường Sơn.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục