Đi chơi Bờ Hồ

Đi chơi Bờ Hồ

Đi chơi Bờ Hồ Chẳng biết từ lúc nào người Hà Nội đã biến cách gọi địa điểm bờ hồ Hoàn Kiếm thành ra một cái tên riêng. Đã nói Bờ Hồ là chỉ ở cái hồ ấy mà thôi. Không ai hiểu rằng nó là bờ Hồ Tây hay hồ Bảy Mẫu, hồ Hale.

Quãng những năm 60 thế kỷ trước, Hà Nội thịnh hành một dòng tranh dân gian đương đại có tên gọi là “Tranh Bờ Hồ”. Người ta vẽ tại chỗ và bày ra đất, chặn mấy hòn sỏi lên bán cho khách vãng lai. Sau nâng cấp lên bày trong ki-ốt sách báo của bà vợ cố họa sĩ Hoàng Lập Ngôn ngay dưới chân núi Ngọc Bội cửa đền Ngọc Sơn. Gọi là nâng cấp cũng chỉ nâng từ dưới đất lên kẹp vào dây thép chăng trong quán sách mà thôi.

Minh họa: D.Khanh

Tranh Bờ Hồ vẽ bằng màu bột pha phẩm màu dân gian tả cảnh bờ hồ theo nghĩa đen. Có hư cấu chút ít bằng cách thêm vài thiếu nữ áo dài lả lướt bên gốc liễu hoặc trai gái tình tự quàng vai nhau hờ hững trên ghế đá quanh hồ. Gọi là hư cấu bởi vì lúc ấy thuần phong mỹ tục khá khắt khe, trai gái ra đường không ai dám dắt tay nhau, nói gì đến việc ôm nhau giữa thanh thiên bạch nhật như thế. Nói đến “Tranh Bờ Hồ” là nói đến một đẳng cấp thẩm mỹ tương đối thấp kém. Người Hà Nội vẽ nó ra để bán mà không thấy ai chơi bao giờ. Bờ hồ về sau còn biến thành một tính từ để chỉ những thanh niên quê mùa học đòi ăn chơi. Đại khái tóc chải vaseline bóng mượt, áo sơ mi bỏ trong quần, bút máy dắt trên túi ngực, kính trắng gọng vàng, ví kẹp chiếc lược con, xe đạp có cắm cờ tua rua cán lò xo gật gù. Tả cho nhau nghe “Trông thằng ấy rất bờ hồ” nghĩa là sẽ có đủ các phụ tùng kể trên.

Bờ Hồ là địa điểm vui chơi. Đến tận bây giờ vẫn thế. Ai đến Hà Nội mà chưa đi Bờ Hồ thì chưa gọi là biết Hà Nội. Khách ở quê ra thể nào chủ nhà cũng phải chiều lòng dẫn ra chơi Bờ Hồ đủ một vòng. Ngày trước Bờ Hồ là nơi có khá nhiều trò chơi và công việc lý thú. Gần đền Ngọc Sơn là cây lộc vừng chín gốc có một không hai trên đời. Dưới gốc cây thường có các toán xẩm tàu điện dừng chân biểu diễn véo von đàn sáo. Những bài hát thật buồn thảm nhưng vẫn xúm đen xúm đỏ ngóng vào. Trên núi đá xếp Ngọc Bội có ngọn Tháp Bút với hàng chữ đề “Tả thanh thiên”. Phải trèo lên chân tháp mới nhìn thấy cái nghiên mực khổng lồ bằng đá đặt trên lưng ba con cóc ở nóc Đài Nghiên cổng vào đền. Dưới chân Tháp Bút là đội ngũ những người khắc bút máy hành nghề với chiếc bảng gỗ có khe kẹp bút. Mấy ông thợ ăn mặc rất luộm thuộm nhưng có nét khắc cực kỳ bay bướm. Những là “Kỷ niệm không quên”, “Gửi người thương nhớ” hoặc “Yêu anh mãi mãi” được khắc lồng với cánh chim bồ câu ngậm dải lụa quấn quanh Tháp Rùa.

Trong lòng ngôi Tháp Hòa Phong trước cửa nhà Bưu điện có mấy ông khiếm thị tụ tập làm thành cái chợ bán sáo trúc xinh xắn. Tiếng sáo đồng quê cất lên từ khoảng 10 giờ sáng cho đến tối mịt. Trẻ con người lớn xúm vào thử sáo ríu rít như tổ chim tập hót. Theo chiều kim đồng hồ mà dạo tiếp sẽ gặp dãy hàng hoa có giàn leo bê tông quét vôi trắng xóa. Những loại hoa tiêu biểu và đắt giá nhất Hà Nội được bày bán ở quán này. Đó cũng là quán hoa duy nhất ở Hà Nội thời ấy, người ta gói hoa bằng giấy bóng màu lịch sự sang trọng. Vài quán giải khát bên hồ đầu đường Lê Thái Tổ xây hình tròn như chiếc tổ ong lớn trổ cửa bốn bề. Quá lên chút nữa là nơi người già hay tụ tập chơi cờ tướng. Râu dài tóc bạc nâu sồng có mà áo quần đạo mạo công chức cũng có. Người xem đủ lứa tuổi vây quanh mách nước bình phẩm loạn xà ngầu. Các cụ già điềm đạm lúc tức giận chỉ xóa cờ chơi lại. Đám trung niên mặt đỏ tía tai lẳng cả bàn cờ xuống hồ. Sai trẻ con bì bõm xuống vớt từng quân cờ bập bềnh phiêu dạt.

Quá lên chút nữa là khu thể thao “Võ sĩ đoàn”. Xà đơn, xà kép, xà lệch chơi tự do mọi lúc. Bàn ping-pông bằng đá granite kê gạch căng dây vắt áo may ô làm lưới tỷ thí suốt ngày. Cũng sinh ra vài nhà vô địch bóng bàn khét tiếng như anh “Cường quích” chẳng hạn. Chơi thể thao xong sang ăn kem Long Vân - Hồng Vân. Sang hơn thì vào Thủy tạ làm cốc si-rô cam có đá. Chọn ghế ngồi ngoài sân sau nhìn ra mặt hồ nôn nao xanh in hình Tháp Rùa trắng toát ngoài xa.

Giờ thì Bờ Hồ có đến hai ngày và ba đêm trong tuần dành cho người đi bộ. Đi chơi Bờ Hồ thật là thuận tiện. Hàng sáo trúc, gánh hát xẩm và khu “Võ sĩ đoàn” không còn. Không có nhiều thứ để ngắm nhìn lắm ngoài cái lưng của người trước mặt. Cũng đang đi…

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục