Tháng giêng không chỉ là tháng ăn chơi mà bây giờ người ta chọn tháng giêng là tháng đi chùa cầu may, cầu phúc và là tháng dọn lòng tĩnh tâm thể hiện lòng thành với đấng linh thiêng và tỏ lòng nhân ái với những người chưa may mắn bằng cách cúng dường. Và, điều hay nữa đó là ở những ngôi chùa, miếu nổi tiếng linh thiêng không chỉ biết chăm lo tôn tạo, xây dựng cơ ngơi chùa, miếu mà còn thể hiện tấm lòng nhân hậu qua những công việc chăm lo cho cộng đồng tốt nhất.
Công đốt nhang: 5.000 đồng!
Dù còn vài ngày nữa mới đến chánh lễ, nhưng hôm qua (11 tháng giêng), có mặt tại khu vực chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương (chùa Bà) đã rất đông khách thập phương đến chiêm bái. Các tuyến đường xung quanh chùa Bà ngày thường rất rộng, nhưng mùa lễ lại quá chật hẹp bởi sự dừng đậu của hàng trăm ô tô (biển số phần đông là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ). Tất cả các bãi đất trống dù to, dù nhỏ đều được người dân tận dụng cho việc giữ xe gắn máy. Giá giữ xe gắn máy “đồng hạng”: 10.000 đồng/chiếc, ô tô: 40.000 – 50.000 đồng/chiếc. Trên phần đường nhỏ xíu còn lại khách thập phương phải luồn lách để tránh sự níu kéo của đội quân bán nhang, đèn, dầu muối… để vào chùa.
Đội quân nhang đèn đủ loại tuổi lao ra giữa đường giành giật, lôi kéo khách thập phương gây cảnh hỗn loạn và chuyện gây lộn lẫn nhau là điều không tránh khỏi. Cầm bó nhang đang cháy nghi ngút trên tay, chị Nguyễn Thị Bảy, 28 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh, bức xúc cho biết: “Tôi mua bó nhang 3.000 đồng, đang loay hoay tìm cách đốt thì một anh thanh niên bước đến và đề nghị “đốt giùm”. Đốt nhang xong, anh ta “xin” 5.000 đồng!”. Chị tỏ vẻ ngạc nhiên về cách làm tiền ấy thì anh thanh niên “sửng cồ” lên ngay. Và để bình tâm vào chùa chị Bảy đành trả 5.000 đồng cho một lần đốt nhang.
Chị Linh cũng kể: “Vừa đến cổng chùa thì có cháu gái đến trao một cây phát tài và nói “Lộc Bà”, tôi mừng húm tưởng năm nay mấy người trong chùa tổ chức phát lộc nên cầm ngay. Ai dè vừa bước đi thì “nó” và mấy “ông thanh niên” đi theo đòi trả 10.000 đồng. Không trả là có chuyện ngay nên tôi bấm bụng…”.
Tọa lạc tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Bà là nơi mà dân bá tánh, thập phương đến viếng rất đông dịp rằm tháng giêng hàng năm ở khu vực miền Đông Nam bộ từ nhiều chục năm qua. Những ngày này, các tuyến đường dẫn đến chùa Bà được trang hoàng rất ấn tượng, lồng đèn, dây kim tuyến và cờ phướn treo khắp nơi. Từ cổng Tam quan đến điện thờ là 12 chiếc đèn lồng tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Ông Lương Út, thành viên Ban tổ chức cho biết: “Ngày 14 tháng giêng, buổi sáng chúng tôi tổ chức đấu giá đèn lồng để gây quỹ từ thiện và buổi chiều là lễ rước cộ Bà”. Tiền cúng dường của bá tánh ngoài việc dùng để trùng tu, sửa chữa chùa thì Ban quản trị (BQT) chùa Bà đã trích hơn 1 tỷ đồng để góp vào quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa cũng như hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho các trường học tại địa phương.
Khách đến lễ Bà mùa này rất đông nên bọn móc túi nhiều nơi cũng “theo về” làm ăn. Để giữ gìn an ninh trật tự cho mùa lễ hội, BQT chùa cử hàng trăm người túc trực chia ca, hướng dẫn bà con vào lễ Bà và thuê thêm 40-50 vệ sĩ chuyên nghiệp phục vụ các ngày cao điểm. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm phòng cháy, dù BQT đã rất cố gắng nhưng chỉ dừng lại ở trong cổng chùa, còn bên ngoài thì vô cùng bát nháo.
Khi đến Bình Dương tôi đã nghe nói – phong tục ở đây, viếng chùa Bà trước rồi mới viếng chùa Ông sau. Năm nay đường đi qua chùa Ông có một số cái mới. Ngoài các cửa hàng bán thức ăn chay thì còn hơn 20 quầy bán bánh cúng trên tuyến đường nhỏ nối chùa Bà và chùa Ông. Bánh cúng là loại bánh cốm và bánh bột chiên có hình hoa hồng. Trên cánh hoa các thợ chế biến dùng phẩm màu bôi đỏ và xung quanh cái bánh còn được in chữ Phước Lộc Thọ. Một vài quầy hàng trưng bảng giá hẳn hoi và khuyến cáo người dùng nên bỏ cánh hoa có phẩm màu. Tuy nhiên việc chế biến diễn ra tại chỗ, ngay trên vỉa hè lại gần nhà vệ sinh công cộng nhưng không sao, khách hành hương vẫn mua và ăn như không thấy căn nhà nhỏ bẩn thỉu gần bên ấy.
Khác với không khí sôi động náo nhiệt của chùa Bà, không khí lễ hội bên chùa Ông ở Bình Dương vắng vẻ hơn. Ngoài sân, nhiều người viếng chùa Ông đã cố chen lấn để chui qua bụng con ngựa Xích Thố lấy hên. Vừa chui qua bụng ngựa thì có người “ban” cho nhánh lộc. Đương nhiên, người nhận lộc thì phải “biết điều” nhưng tiền cũng rẻ hơn bên chùa Bà.
Ông Lương Út, thành viên Ban tổ chức cho biết: “Chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất nhiều cho lễ hội chùa Bà. Để lễ hội chùa Bà thành công, chúng tôi mong bà con đi chùa chỉ mang 3 cây nhang vào chánh điện lễ Bà không nên đốt nhiều giấy tiền vàng bạc mà tiền bạc nên dành cho công tác từ thiện!”.
Còn vài ngày nữa đến ngày vía Bà. Năm nay, không khí chùa Bà Bình Dương chắc sẽ nhộn nhịp như mọi năm. Đặc biệt, Đoàn thanh niên của khu vực quanh chùa đã lên kế hoạch nhặt đinh “rơi trên đường” như mọi năm để giúp người dân đến chùa an toàn.
Những “ngân hàng” di động
Theo những người giữ xe ở dưới chân núi Bà Đen, thì năm nay du khách đông hơn năm trước. Ngày thường, diện tích rộng lớn của bãi giữ xe dưới chân núi Bà đen vắng tanh, vậy mà những ngày đầu xuân này bỗng trở nên chật chội vì hội đủ các loại xe ra vào bến. “Đầu xe” nhiều nhất là xe buýt, xe đò của các hãng xe quen thuộc chở những khách bình dân từ TPHCM và các tỉnh thành khác về viếng cảnh chùa. Ở bến xe, ngoài các phương tiện công cộng trên thì các xe loại 4 - 16 chỗ do các gia đình bỏ tiền ra “bao xe” cũng rất đông. Khách viếng chùa gồm đủ các thành phần trong xã hội: già có, trẻ có, giàu, nghèo, trí thức và cả các đối tượng “xã hội đen” cũng về đây hoạt động. Đến viếng cảnh chùa còn có cả du khách nước ngoài đến cảm nhận không khí tết Việt.
Ở chùa Bà Đen khu vực “ngân hàng di động” chuyên đổi tiền lẻ để vào lễ chùa có khá đông người chờ đợi. “Tỷ giá” đổi tiền ở đây được quy định bởi các chủ “tủ tiền” - cứ 1 tờ 100.000 đồng sẽ đổi được 70.000 - 80.000 đồng tiền mệnh giá 1.000 - 5.000đồng. “Chém chặt” thế nhưng ai cũng vui vẻ chấp nhận vì… “tết mà”. Đổi tiền xong, mọi người lại tiếp tục một cuộc… chen lấn mới để vào chùa thắp nhang lễ Phật và lễ Bà.
Khói nghi ngút cả một vùng khiến trẻ em và người già nghẹt thở, có người bị ngất xỉu tại chỗ phải nhờ bộ phận y tế tại chùa cấp cứu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có làn gió núi mát rượi thổi vào nên ai cũng tranh thủ đón gió để thở. Sau khi lễ Phật trong chùa, du khách leo lên tượng Phật nằm và chùa thờ Ba Cô trên đỉnh núi, khi trở xuống, mọi người không quên xin xăm, cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn… Ở khu xin xăm, gieo quẻ bước ra có người mặt vui như tết nhưng có người không dấu được bộ mặt lo lắng cố nén tiếng thở dài.
Dù cuộc hành hương ngày xuân khá gian nan vất vả, song khi trở về, mọi người thấy lòng thanh thản vì đã được viếng cảnh chùa, thành tâm lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ và hy vọng một năm mới tốt lành đang đến…
Tháng giêng làm phúc
Một nơi rất đông khách thập phương đến cúng lễ gần như quanh năm đó là chùa Bà chúa Xứ (thờ bà chúa ở Núi Sam, Châu Đốc, An Giang). Lễ chính của chùa Bà chúa Xứ Núi Sam là ngày 23 - 4 Âl, nhưng từ mùng 3 Tết, tuyến đường từ TPHCM xuống Châu Đốc đầy nhóc xe hơi có biển số TP, nhất là ban đêm.
Khách hành hương từ xa đến thường đi vào buổi chiều để đến Châu Đốc khoảng 3 giờ sáng. Thường nhà xe thuê ba phòng trọ cho cả một xe 15 người để có chỗ khách vệ sinh cá nhân và tài xế ngủ lấy sức. Sau đó khách hành hương lo sắm sửa phẩm vật cúng Bà và tranh thủ vào điện thờ sớm để có thể đến gần Bà hơn lại tránh cảnh quá đông người dễ bị móc túi. Cảnh móc túi trong điện thờ của những năm trước, 3 năm nay đã giảm rất nhiều bởi ngoài Đội trật tự của miếu Bà làm việc rất cật lực thì còn có lực lượng công an hỗ trợ bên ngoài. Băng nhóm móc túi từ xa đến làm ăn sẽ bị phát hiện nhanh chóng bởi “ăng ten” của họ có mặt khắp nơi, đó là những bà bán nhang, cậu bé bán bông…
Xưa, chuyện mua heo quay cúng Bà đông nườm nượp. Thế nhưng từ ba năm nay, chuyện cúng heo quay ở chùa Bà chúa Xứ đã thưa bởi khách đã biết chuyện “con heo quay cúng Bà quay đầu cúng đến hàng chục lần”. Chuyện thả chim phóng sinh cũng được chính quyền thị xã Châu Đốc cấm khi phát hiện cảnh xác lũ chim phóng sinh chết rũ bỏ quanh miếu Bà. Bây giờ, khách đến cúng Bà với lòng thành là chính. Họ cúng hoa quả và cúng dường tiền để gây quỹ thiện tâm cho chùa.
Chuyện cúng áo Bà mặc cũng là việc mà Ban quản lý chùa cân nhắc bởi áo, mũ cúng Bà được đặt mua từ Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc với giá rất mắc. Nghe nói có bộ áo, mũ cúng Bà đặt mua từ Hồng Công có dát vàng với giá 40.000USD/bộ. Áo cúng quá nhiều nên không phải ai cúng áo cũng vinh dự được mặc lên Bà. Có những bộ áo mũ chỉ ướm lên người Bà cho thí chủ vui lòng rồi cất vào tủ. Lâu, tủ áo treo bà lấp lánh cả một khu nhà và giá trị của gian phòng trưng bày áo, mũ và khánh vàng tạ ơn Bà lên đến bạc tỷ.
Tương truyền sinh thời Bà rất thương dân quanh vùng và thường cứu giúp dân những khi nguy cấp.
Để phát huy tinh thần ấy của Bà, lãnh đạo thị xã Châu Đốc đã bàn với BQT lăng miếu Núi Sam phương án chăm lo cho cộng đồng từ tiền cúng dường của khách thập phương. Từ khoản tiền cúng dường hàng năm ở miếu Bà chúa Xứ đã có hàng chục ngôi trường học được xây mới rất khang trang như Trường PTCS Trương Gia Mô, Trường PTCS Núi Sam,… hàng chục kilômét đường nhựa, hàng chục công trình phúc lợi khác và hàng ngàn hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách của tỉnh An Giang được chăm sóc.
Năm 2009, ngoài lễ phẩm cúng Bà, khách thập phương đã cúng dường 49,9 tỷ đồng tiền mặt. Có 30 tỷ đồng trích từ khoản tiền cúng dường được dùng để làm đường, xây trường học và chăm lo cuộc sống cho các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo của tỉnh.
Đ.Hiệp - P.Thư - M.Yến