Việc triển khai thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến bắt đầu từ ngày 4-4 tới) đang vấp phải nhiều trở ngại, khiến dư luận châu Âu lo ngại những hậu quả khôn lường vượt ngoài tầm kiểm soát.
Nạn di cư tiếp diễn
Trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Funke, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho rằng, người tị nạn tới Trung Âu ít hơn vì họ bị mắc kẹt ở Hy Lạp, nơi đang xảy ra tình trạng khẩn cấp về nhân đạo. Ngoại trưởng Steinmeier nêu rõ: “Nếu không thể loại bỏ các vấn đề riêng đang đẩy những đối tác vào thế kẹt, châu Âu sẽ khó có thể cùng bước tiếp”.
Theo thông tin từ các nhóm giải quyết khủng hoảng ở Athens (Hy Lạp), hiện có trên 50.000 người di cư ở Hy Lạp, trong đó có khoảng 11.500 người tại các cơ sở tạm bợ ở Idomeni, sát biên giới với Macedonia. Ngoại trưởng Đức cho rằng, nếu không có thỏa thuận Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kỳ, số người bị mắc kẹt ở biên giới Hy Lạp - Macedonia có thể đã lên tới 100.000 người.
EU hy vọng, người di cư sẽ từ bỏ hành động vượt biển liều lĩnh đến Hy Lạp, thay vào đó, họ sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác ở Trung Đông. Nhờ đó, Đức và các nước EU còn lại sẽ tránh phải tiếp nhận thêm người nhập cư. Thực tế, dòng người vẫn tiếp tục ùn ùn di tản từ Libya, Syria sang. Khi mà dòng người chạy trốn chiến tranh, xung đột và nghèo đói từ khu vực Trung Đông - Bắc Phi vẫn không ngừng gia tăng, thì chẳng có gì bảo đảm rằng việc chặn tuyến đường qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng người di cư. Những người tị nạn tuyệt vọng vẫn sẽ tìm mọi cách để đến châu Âu qua các tuyến đường khác như Libya - nơi hiện chưa có một chính phủ hoạt động đầy đủ chức năng.
Người di cư từ châu Phi vẫn tìm mọi cách trốn sang châu Âu
Một trong những điều khoản vấp phải phản đối nhiều nhất là nguyên tắc “một đổi một”, theo đó, EU sẽ tiếp nhận 1 người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Ankara nhận lại 1 người từ Hy Lạp. Điều này khiến số người tị nạn được đưa tới châu Âu vẫn là một con số mà EU không thể tự quyết định. Thay vì tập trung ở Hy Lạp, từng nước EU sẽ phải tiếp nhận thêm người tị nạn, trong khi thỏa thuận chia sẻ người tị nạn từ Hy Lạp tới các nước EU hầu như vẫn nằm trên giấy.
Ngoài ra, dù các đối tác EU cam kết gửi lực lượng hỗ trợ gồmkhoảng 2.300 người, trong đó có 400 chuyên gia về tị nạn và 400 phiên dịch, song trên thực tế, các vấn đề tổ chức và nhân sự này tiêu tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc.
Tin đồn gây hỗn loạn
Ngày 28-3, người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc chính quyền ở Tripoli, Đại tá Ayoub Qassem bác bỏ tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, hiện có tới 800.000 người di cư đang tập trung ở Libya để tìm cách sang châu Âu.
Cùng lúc này, tình hình tại khu vực biên giới Hy Lạp - Macedonia đang trở nên hỗn loạn do có những tin đồn rằng, Đức sẵn sàng tiếp nhận người di cư, nên người tị nạn kéo tới và tụ tập tại khu vực biên giới để chờ hàng rào ngăn cách mở ra, hàng trăm người tị nạn tổ chức biểu tình yêu cầu chính quyền hai nước này mở cửa biên giới để họ có thể tiếp tục hành trình của mình tới các quốc gia Tây Âu. Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát Hy Lạp buộc phải thiết lập một hàng rào chắn để ngăn những người biểu tình tiếp cận biên giới, đồng thời, nhiều cảnh sát Hy Lạp đã được triển khai để bảo vệ dọc khu vực biên giới, ngăn chặn người di cư phá hàng rào dây thép gai để vào Macedonia.
Giới chức Hy Lạp cho biết, ưu tiên trước mắt là đưa người di cư rời khỏi trại tị nạn Idomeni, tại khu vực biên giới với Macedonia và thuyết phục họ chuyển tới các khu trại gần đó. Athens cũng đang thúc đẩy việc thiết lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn với khả năng đón khoảng 30.000 người, nhằm đối phó với dòng người tị nạn vẫn đang tiếp tục bị ùn tắc do lệnh đóng cửa biên giới.
VIỆT ANH (tổng hợp)