Đi lại ngày tết - “Thượng đế” chọn hàng hiệu

Mọi năm, cứ đến những ngày giáp tết là hành khách xếp hàng rồng rắn chen lấn ở các bến xe để mua vé và nằm vật vã mỏi mòn chờ xe xuất bến. Năm nay có khác. Hôm qua, mặc dù lượng hành khách về quê qua bến xe miền Đông, miền Tây tăng cao (khoảng 43.000 khách tăng hơn năm rồi) nhưng hầu hết hành khách đến bến là có vé đi ngay.

Mọi năm, cứ đến những ngày giáp tết là hành khách xếp hàng rồng rắn chen lấn ở các bến xe để mua vé và nằm vật vã mỏi mòn chờ xe xuất bến. Năm nay có khác. Hôm qua, mặc dù lượng hành khách về quê qua bến xe miền Đông, miền Tây tăng cao (khoảng 43.000 khách tăng hơn năm rồi) nhưng hầu hết hành khách đến bến là có vé đi ngay.

TPHCM: Xe bến “ế”

Hôm qua 10-2, hành khách về quê qua bến rất đông, nhưng hầu hết hành khách đến bến là mua được vé, đi ngay. Sở dĩ hành khách được đi nhanh và không gây ùn ứ là do lượng khách mua vé trước và xe xuất bến được xếp theo giờ. Vì vậy lượng hành khách không dồn về bến cùng một lúc như mọi năm.
 
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông (BXMĐ) cho biết, lượng hành khách về quê thông qua bến rất đông (khoảng 44.000 hành khách, đông hơn so với năm ngoái) không phải chờ đợi lâu là do phần lớn đã mua vé trước và họ chuộng xe thương hiệu hơn. Những xe này có dịch vụ tốt, xe đẹp, không rước khách dọc đường. Trong khi đó, xe ủy thác trong bến hầu hết là xe cũ, phục vụ kém, hay nhồi nhét khách dọc đường nên cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp vận tải tư nhân.

“Những ngày qua, nhiều tuyến xe ủy thác ở bến có ngày “ế” vì khách chọn xe thương hiệu” - ông Hải nói.
 
Hành khách đi xe thương hiệu được nhân viên hướng dẫn đến tận ghế ngồi. Hành lý được dán tem niêm phong, xếp gọn gàng vào khoang hành lý. Ngược hẳn với xe thương hiệu, xe ủy thác ở bến, hành khách mua vé tự tìm đến xe mình đi, hành lý bị thu tiền, xe không máy lạnh, lơ xe quát mắng hành khách. Sở dĩ những xe này sống được là do hành khách không còn phương tiện nào để lựa chọn nên đành bấm bụng mà đi.
 
Hôm qua, hàng trăm hành khách đứng ngồi trước cổng Khu du lịch - Văn hóa Suối Tiên, cổng Khu chế xuất Linh Trung 1, chân cầu vượt Linh Xuân, Sóng Thần… vốn là đại bản doanh của xe đò dừng bắt khách dọc đường cả ngày lẫn đêm. Từ sáng sớm hàng trăm người mang hành lý đứng dọc bên đường đón xe. Nhiều người phải chịu nắng chờ cả 4 - 5 tiếng đồng hồ mới đón được xe về quê.
 
Tình trạng hành khách không chịu vào bến mua vé mà đón xe dọc đường đã tạo cơ hội cho xe “dù”, bến “cóc” xuất hiện. Tại cây xăng Huệ Thiên 2, Huệ Thiên 3 (quốc lộ 13)… từ sáng sớm đã có 4 - 5 chiếc dừng đỗ trong khuôn viên cây xăng để chờ đón khách, bốc hàng hóa.

Mặc dù bến xe thông báo bố trí đủ phương tiện để đưa công nhân, lao động làm việc tại Đồng Nai về quê ăn tết, nhưng không ít hành khách lại chọn xe dù để bị nhồi nhét... Nhiều người cho rằng vào bến xe mua vé giá cao hơn, còn đón xe từ TPHCM ra có thể giá mềm hơn.

Hà Nội: Xe ngoài bến tăng giá hơn gấp đôi

Hôm qua, tại Hà Nội, giá vé xe khách của các công ty du lịch lữ hành (loại xe không vào bến), chạy từ Hà Nội (HN) đi các tỉnh miền Trung lại tiếp tục tăng giá chóng mặt, nhiều tuyến tăng trên 100% giá vé.

Giá vé từ HN đi Quảng Trị của hãng xe Camel tăng đến 350.000 đồng/vé (ngày thường 150.000 đồng/vé), của hãng xe Dòng Hiền tăng đến 400.000 đồng/vé (ngày thường 180.000 đồng/vé)…. Tất cả các tuyến đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế đều tăng giá tương tự.
 
Trong khi đó, tại các bến xe Phía Nam, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm… lượng hành khách đổ về quá đông khiến bến xe quá tải. Hầu hết các bến xe đều rất lộn xộn cả trong và ngoài bến.

Đặc biệt, trên đoạn đường cách các bến xe 1 - 3km, xe có thương hiệu và xe dù đua nhau bắt khách. Giá vé khách bắt ngoài bến tăng 100% - 150% so với giá quy định tại bến. Chẳng hạn vé đi Nghệ An ngày thường là 80.000 đồng/vé đã tăng lên 200.000 đồng và hành khách phải ngồi ghế nhựa.

Theo phản ánh của nhiều hành khách, tình trạng nhồi nhét khách diễn ra rất phổ biến song hầu như đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Q.HÙNG - Đ.LÝ - M.DUY

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, đến nay có khoảng 10.000 khách quốc tế nghỉ dưỡng tại khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né. Trong đó đông nhất là khách Nga, Đức, Thụy Điển, Áo, Úc, Mỹ. Tính riêng thời điểm từ 30 đến mùng 7 Tết (13 – 20-2), “thủ đô resort” Hàm Tiến đã kín phòng, công suất xấp xỉ 100%. Dù nhu cầu đặt phòng nghỉ tại Phan Thiết dịp năm mới rất lớn nhưng nhìn chung giá phòng và dịch vụ chỉ tăng khoảng 5%.

Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT-DL Bình Thuận Hoàng Văn Toàn, cho biết thêm, ngoài các khu du lịch cao cấp, các khu du lịch cộng đồng như Hòn Rơm - Mũi Né, Tiến Thành - Hàm Thuận Nam đã kín chỗ đến mùng 8 Tết.
 

NG.VŨ 

Tin cùng chuyên mục