Đi nước ngoài chữa bệnh: Tiền mất tật mang và... mất mạng

Với quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” nhiều bệnh nhân đã không nề hà tốn kém ra nước ngoài trị bệnh. Thế nhưng vì thiếu cẩn trọng nên đã tốn hàng tỷ đồng vẫn không hết bệnh, thậm chí còn mắc thêm bệnh hoặc tử vong...
Đi nước ngoài chữa bệnh: Tiền mất tật mang và... mất mạng

Với quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” nhiều bệnh nhân đã không nề hà tốn kém ra nước ngoài trị bệnh. Thế nhưng vì thiếu cẩn trọng nên đã tốn hàng tỷ đồng vẫn không hết bệnh, thậm chí còn mắc thêm bệnh hoặc tử vong...

  • May nhờ... rủi chịu

Dù đã được nối lại niệu quản nhưng chị N.T.T. Thủy vẫn không khỏi bức xúc vì “tiền mất tật mang” sau khi ra nước ngoài mổ đẻ. Khi chị mang thai đứa con thứ 2, phát hiện nhau thai bị cài răng lược, các bác sĩ trong nước đã chỉ định sinh mổ và cắt tử cung cho chị để cứu cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, thay vì ở lại trong nước điều trị, chị Thủy khăn gói sang Singapore với hy vọng giữ lại tử cung. Ngờ đâu, sau khi sinh em bé, bác sĩ bên đó vẫn phải cắt bỏ tử cung của chị, đúng như chẩn đoán của bác sĩ Việt Nam. Thậm chí chị còn bị cắt một phần niệu quản do biến chứng sau khi mổ đẻ và cắt tử cung. Cũng may, sau đó các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức đã nối thành công niệu quản với bàng quang, giúp chị phục hồi cơ quan tiết niệu.

Chị Thủy cho hay: “Nếu như ban đầu tôi nghe người thân và các thầy thuốc Việt Nam mổ sinh trong nước chắc không có chuyện tốn hơn 1,5 tỷ đồng, vừa mệt mỏi, lo lắng về tinh thần vừa chịu nỗi đau cơ thể khi phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật...”.

Là một bệnh viện tuyến quận nhưng BV quận Thủ Đức đã thực hiện được nhiều phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao như chấn thương sọ não, phẫu thuật nội soi. Ảnh: T.ĐẠT

Là một bệnh viện tuyến quận nhưng BV quận Thủ Đức đã thực hiện được nhiều phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao như chấn thương sọ não, phẫu thuật nội soi. Ảnh: T.ĐẠT

Tương tự trường hợp chị Thủy, khi phát hiện khối u trong gan, anh N.V. Lộc (42 tuổi, ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai) cũng tất tả tìm nơi cứu chữa. Qua nhiều ngày “nghiên cứu” trên internet, anh Lộc chọn một bệnh viện tư tại nước ngoài. Qua tư vấn của văn phòng đại diện của cơ sở này tại quận 1, TPHCM, anh Lộc được tư vấn chữa khối u ở gan bằng sóng cao tần tại Bệnh viện M… Thế nhưng, sau khi đốt khối u bằng sóng cao tần, bụng anh Lộc bắt đầu quặn đau và trương cứng do việc đốt khối u gây ra.

Đáng buồn hơn, khi anh còn đang đau đớn thì bệnh viện này lại tìm cách cho anh xuất viện. Kết quả sau hơn 1 tháng ra nước ngoài điều trị, tốn gần 100.000 USD, vừa về đến Việt Nam anh Lộc phải nhập viện cấp cứu do nhiễm trùng. Sau này khi sang Mỹ điều trị biến chứng, anh Lộc mới biết khối u của anh không nhất thiết phải cắt hoặc đốt bằng sóng cao tần. “Đến giờ tôi mới hối hận vì bệnh sính ngoại”, anh Lộc buồn bã nói.

Các bác sĩ khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn nhớ như in trường hợp ra nước ngoài ghép thận mất mấy chục ngàn đô nhưng quả thận bị thải ghép. Bệnh nhân này lại tốn thêm hàng ngàn USD để quay lại phẫu thuật lấy thận ghép ra. Cuối cùng, bệnh nhân này phải chạy thận nhân tạo từ đầu, nhưng không được bao lâu thì tử vong.

PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ở đâu cũng có những cơ sở chất lượng rất tốt và những cơ sở chất lượng không đạt yêu cầu. Do đó, dù có ra nước ngoài chữa bệnh, người bệnh cần chọn lựa nơi điều trị tin cậy. Thực tế cho thấy có không ít người đi nước ngoài trị bệnh bị biến chứng hoặc mang thêm bệnh… Qua theo dõi, khảo sát trên 129 bệnh nhân sau khi ghép thận tại nước ngoài về đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm nấm, nhiễm virus CMV, nhiễm viêm gan siêu vi và tử vong sau ghép rất cao. Cụ thể, có tới 39/129 trường hợp nhiễm viêm gan siêu vi B và C, 74/129 bệnh nhân nhiễm Cytomegalovirus hoặc Herpes và có tới 15/129 trường hợp tử vong. Trong đó, ghi nhận một trường hợp ra nước ngoài ghép tạng, sau 3 tuần về nước thận bị thải ghép nên sau đó phải chạy thận nhân tạo và còn bị lây nhiễm HIV (dù xét nghiệm HIV trước khi ghép tạng của bệnh nhân này âm tính) và đã tử vong sau đó ít lâu.

  • Thận trọng chọn nơi điều trị

Thực tế cho thấy, đến nay ngành y tế nước ta đã làm chủ được hầu hết các lĩnh vực điều trị, từ ghép gan, ghép thận, ghép tim, phẫu thuật nội soi và chẩn đoán… Được bạn bè thế giới nhìn nhận, nhiều bệnh viện trong khu vực đã gửi bác sĩ sang tập huấn, học hỏi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hàng ngàn người thích ra nước ngoài (như Singapore, Thái Lan, Úc, Mỹ, Trung Quốc) để khám chữa bệnh: ung thư, mổ tim, ghép thận, thụ tinh nhân tạo hoặc phẫu thuật thẩm mỹ…

Theo các chuyên gia, mức viện phí ở Việt Nam so với các nước trong khu vực thấp hơn nhiều. Ví dụ: Chụp CT 64 lát cắt trong nước từ 1,5 – 2 triệu đồng/lần, nhưng tại Singapore từ 700 - 1.200 SGD (gần 10 triệu đồng).

Một ca phẫu thuật tim ở nước ngoài mất hàng chục ngàn USD, ở Việt Nam chỉ khoảng 3.000 USD. Hay như chi phí ghép thận, ở các nước trong khu vực tốn khoảng 35.000 USD, còn tại Việt Nam chỉ trên dưới 10.000 USD (từ 100 - 230 triệu đồng). Đây chỉ là giá thành của vật liệu tiêu hao khi điều trị bệnh, chưa tính đến những dịch vụ đi theo như vé máy bay, khách sạn và chi phí ăn uống.

Trong khi đó, theo VS-TS Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM, trên thực tế, trình độ kỹ thuật của cán bộ ta không thua kém trình độ cán bộ y tế nước ngoài, chưa kể ta có những chuyên khoa vượt trội như: phẫu thuật nội soi, siêu phẫu thuật, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ… Thế nhưng, khách quan mà nói, người bệnh, đặc biệt những người có điều kiện tài chính, chưa tin vào chất lượng chăm sóc y tế của ta, nhất là trong điều trị phẫu thuật lớn hoặc trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh tật diễn biến phức tạp. Do đó, họ nghĩ rằng ra nước ngoài được điều trị tốt hơn, kết quả sẽ cao hơn. Thêm vào đó, bệnh nhân thiếu thông tin chính xác về trình độ và chất lượng của các bác sĩ và bệnh viện ở nước ngoài. Họ chỉ dựa vào kinh nghiệm và tin tức truyền miệng để đưa người nhà ra nước ngoài chữa trị.

Dĩ nhiên, các cơ sở y tế ta cũng còn tồn tại không ít điều bất lợi là đa số các bệnh viện công thường quá tải, cơ sở vật chất kém tiện nghi so với cơ sở nước ngoài. Hệ thống hồi sức - điều dưỡng cũng chưa chuyên nghiệp và quan niệm “lương y như từ mẫu” chưa được đặt lên hàng đầu.

Từ những nhận định trên, thiết nghĩ chúng ta cần giải quyết vấn đề quá tải ở các bệnh viện công chuyên khoa, chấn chỉnh cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị. Đặc biệt, chúng ta cần trả công lao động phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, nhất là khi ta đi vào cơ chế thị trường và việc xây dựng những bệnh viện với kỹ thuật cao và tổ chức quản lý tốt là cần thiết trong lúc này. Đồng thời cần thông tin đầy đủ về các cơ sở điều trị có chất lượng nước ngoài, cần có những cơ sở cung cấp thông tin khách quan và chính xác, tránh để bệnh nhân chạy theo những tin đồn đoán và rồi “tiền mất tật mang”

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục