10 ngày ở Quảng Ngãi, dân phải hứng chịu 3 trận lũ liên tiếp, khi nước đã rút, trên các cánh đồng chỉ còn trơ trọi lại những vệt bùn đất loang lổ. Sau lũ, người dân bắt tay vào khắc phục hậu quả sau những ngày kinh hoàng, sống trong nơm nớp âu lo.
Nỗi buồn phù sa
Không như những năm khác, tiết trời năm nay có vẻ trêu ngươi con người. Khi cuối tháng 11, nước lũ lại đổ về hoành hành khắp nơi. Nước lũ nhấn chìm mọi thứ, phù sa con nước hủy hoại mọi sự sống. Những hôm mưa lớn, nước các con sông lớn ở Quảng Ngãi dâng cao, chảy cuồn cuộn, đầy thách thức, những xóm làng ven các con sông sống trong thấp thỏm.
Lũ rút, những người trồng hoa phải tưới nước cho cây, không phải tưới nước vì nắng hạn mà là để gột rửa lớp bùn non bám trên lá, tránh sâu bệnh. Bởi, hoa có được khách chọn chủ yếu trông nhờ vào sự xanh tươi của bộ lá, lá có xanh hoa mới đẹp, đều. Họ phải chạy đua với thời gian, khi dịp tết sắp cận kề. Dọc triền sông Vệ là “vựa hoa” của Quảng Ngãi, phù sa sông giúp cây phát triển tốt, hoa đẹp. Thế nhưng, phù sa sông cũng lấy đi của họ mọi thứ. Anh Nguyễn Văn Thiện, trú thôn Mỹ Hòa thuê lại 3 sào đất của người quen trong làng để trồng hoa với số vốn khoảng 50 triệu đồng. Năm nào anh cũng trồng vài trăm chậu cúc, cuộc sống của gia đình phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, thế nhưng lũ về đã nhấn chìm mọi thứ. Anh Thiện xắn quần lên tới tận đầu gối, rồi bước xuống ruộng, đi lật dở từng cây hoa héo úa. Sau lũ lớp bùn non dày đặc, những bước chân của anh in hằn trên bùn, không hằn lại được, y như những nỗi đau mà cơn lũ quét qua với người dân, mãi mãi không xóa nhòa.
10 ngày trong lũ, hàng trăm hộ dân bị cô lập trong lũ, lương thực hết, sống tạm qua ngày nhờ mì gói. Ở xóm Phương Đình Đồng, thôn An Đại 1, xã Nghĩa Phương, Tư Nghĩa những ngày nước lớn đổ về cả thôn bị cô lập, đến khi nước vơi, chúng tôi mới tiếp cận được. Bà Trần Thị Khai (80 tuổi), sống một mình trong căn nhà ẩm thấp, dột nước tứ phía. Những ngày nước lớn, bà ngồi co ro trong căn nhà của mình nhìn ra biển nước, chờ nước rút như chờ mẹ đi chợ về. Con cháu của bà ai cũng có nhà riêng, sống xa. Già cả, chẳng làm gì được, bà chắt bóp nuôi gà để dành khi đau ốm. Thế nhưng, con nước đổ về cuốn phăng đàn gà. Trong dòng nước đục ngầu, bà thấy rõ những con gà của mình chới với trong nước, thế nhưng, bà đành ngậm ngùi nhìn chúng nó bị nước nhấm chìm.
Sạt lở đất làm sập nhà dân tại thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi
Tan hoang sau lũ
Khoảng 21 giờ ngày 8-12, người dân ở thôn Trà Khương (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) nghe 3 tiếng động lớn, sau đó đất đá bắt đầu đổ ập từ trên đỉnh núi xuống. Trong đêm, những người dân phải bồng bế dắt díu nhau đi lánh nạn. Vụ sạt lở núi đã làm sập hoàn toàn ngôi nhà của gia đình ông Hồ Văn Vũ ở trong thôn; 4 hộ dân khác gần chân núi cũng bị ảnh hưởng bởi rung chấn. Rất may, sau đó huyện đã kịp thời di dời người dân ở khu vực này trước đó nên không có thiệt hại về người. Thế nhưng, vụ sạt lở đã gây ách tắc giao thông, cô lập hơn 50 hộ dân ở hai thôn Trà Hoa và Trà Khương của xã Trà Lâm. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng dân quân tự vệ, quân sự huyện Trà Bồng đã khẩn trương giúp các hộ dân có nhà bị sập, hư hỏng dựng lều tạm, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ có nhà trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn. Bắc cầu tạm qua suối để người dân qua lại. Cùng đó, huyện cũng đã bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các vị trí nguy cơ sạt lở cao; hỗ trợ gạo, mỳ tôm cho 50 hộ dân bị cô lập và các hộ dân vùng sạt lở.
Theo thống kê từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ những ngày qua đã làm hàng trăm mét kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vụ sản xuất đông xuân sắp đến. Các tuyến đường đi những huyện vùng núi bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông nhiều nơi. Do mưa lớn bức tường gần 20m ở Trường mẫu giáo Sơn Nham, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà bị sập đổ, ảnh hưởng đến 235 học sinh, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
NGUYỄN ĐẮC THÀNH