Bài 1: Công trình cổ thành nhà hàng, quán nhậu!
Một lần nữa, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc lại được các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn gióng lên những hồi chuông cảnh báo tại hội thảo quốc tế “Du lịch văn hóa và di sản kiến trúc ở Đông Á và Đông Nam Á” diễn ra tại Đà Lạt trong 2 ngày 3 và 4-1-2011. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển (TPHCM) phối hợp với ĐH Provence (Pháp) tổ chức.
Bê tông hóa và trùng tu... hiện đại!
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Tự cho biết: Nhiều nhà cổ ở TPHCM đang đứng trước nguy cơ biến mất. Căn nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển (số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) được UBND TPHCM xếp hạng Di tích cấp thành phố đang dần bị rơi vào quên lãng và xuống cấp nghiêm trọng. Cột, kèo, đòn tay bị mối đục thủng, cây đòn dông của gian nhà chính mục nát từ lâu, mái ngói hư hỏng nặng nên những khi mưa lớn nền nhà bị ngập nước. Những cánh cửa được chạm khắc tinh vi đã bị cong vênh. Hành lang chật hẹp, mái ngói bị xiêu vẹo, lối đi ngổn ngang gạch ngói. Hàng hiên trước của ngôi nhà bị biến thành kho chứa đồ, những tấm song bằng gỗ đã bị đập gãy để làm lối ra vào.
Trong việc đối xử với các công trình kiến trúc cổ, trình độ chuyên môn của các kiến trúc sư và chủ đầu tư chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thẩm mỹ, về bảo tồn giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Do đó, nhiều công trình sau khi được cải tạo, chỉnh trang đã trở nên thô kệch, xấu xí so với nguyên gốc. |
Đây cũng là tình trạng chung đối với các căn nhà cổ còn lại ở TPHCM. Ở huyện Bình Chánh có một căn nhà cổ duy nhất ở số 107A/4 ấp 1 xã An Phú Tây và hiện đang nằm trong diện quy hoạch của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng. Hiện tại công ty này đã cắm cột mốc ngay sát tường nhà. Theo gia chủ, đây là ngôi nhà lâu đời và từng là nơi che giấu cán bộ cách mạng nên cần được giữ nguyên hiện trạng. Chủ nhà đã rất vất vả trong việc liên hệ với các cơ quan chức năng nhờ can thiệp để giữ lại căn nhà.
Hai căn nhà cổ ở số 14/82 và số 14/176 khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 được xây dựng cách nay hơn 100 năm cũng nằm trong diện quy hoạch xây dựng Khu Công nghệ cao của TP. Còn hai căn nhà cổ ở số 34/14 ấp 5 và 18/9 khu phố 7 thị trấn Nhà Bè sẽ không còn nếu dự án mở rộng kho xăng Nhà Bè được thực thi.
Căn nhà cổ ở Hóc Môn được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX nhưng đến nay đã trải qua hai lần sửa chữa lớn và hiện nay nhìn từ bên ngoài thì căn nhà hoàn toàn… có kiến trúc hiện đại. Còn căn nhà ở số 1/1 đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp vốn là một căn nhà truyền thống với vật liệu gỗ nhưng qua quá trình sử dụng, chủ nhà đã cho thay đổi nhiều hạng mục nên hiện nay chỉ còn lại sườn nhà bằng gỗ, còn lại các hạng mục đã được bê tông hóa.
Cùng cảnh ngộ là căn nhà ở ấp 10, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Trước đây, căn nhà này cũng là nhà cổ truyền thống với kết cấu ba gian hai chái, vật liệu bằng gỗ. Vào năm 2002, chủ nhà đã cho trùng tu sửa chữa và kết quả hiện nay, căn nhà hoàn toàn là một kiến trúc hiện đại.
“Triệt phá” trong cơn lốc đô thị hóa
Theo kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, hiện tượng “Tabula Rasa” - triệt phá đang diễn ra ở nhiều nơi tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong cơn lốc đô thị hóa vội vã, chúng ta đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước.
Ông Thái xót xa: Thật đáng tiếc nếu các nhà lãnh đạo không đưa ra những chính sách cụ thể để ít nhất không còn tình trạng xây dựng công trình cao tầng hoặc nhà phố mới, tiếp tục làm hỏng bản sắc các khu vực trung tâm có giá trị lịch sử.
Theo Ban Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh TPHCM, đến hết tháng 4-2010, toàn TP có 124 công trình, địa điểm được quyết định xếp hạng di tích, với 1 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Dinh Độc Lập), 53 di tích quốc gia, 70 di tích cấp TP. |
KTS Lý Thế Dân nhận định về thực trạng kiến trúc cổ tại TPHCM: Phần lớn trường hợp còn lại thường bị cơi nới, sửa chữa cả mặt tiền lẫn nội dung bên trong. Một số công trình đã thay đổi nhiều so với kiến trúc ban đầu. Một số ngôi nhà được xếp vào dạng cổ nhưng đã mục nát, trở nên rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sinh hoạt của những hộ dân bên trong.
Giờ đây, chuyện những công trình cổ bị xây mới, chuyển đổi chức năng thành nhà hàng, văn phòng công ty… đã trở thành “chuyện bình thường”, chẳng có gì mà ầm ĩ! Nhiều biệt thự cổ hiện không chỉ được sử dụng làm nhà ở, mà còn là công sở, văn phòng làm việc, nhà hàng, cửa hàng cao cấp, quán giải khát...
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Thành đánh giá: Nhiều công trình kiến trúc cổ đặc sắc như trụ sở Công ty Vận tải biển Hoàng Gia (Bến Nhà Rồng), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, Tòa án nhân dân thành phố, Trụ sở UBND TP… đang có nguy cơ trở nên “lạc lõng” giữa những kiến trúc cao tầng ốp kính bóng loáng vây xung quanh làm phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị.
Quần thể di tích Nhà thờ Đức Bà – Bưu điện Thành phố đang bị các cao ốc lấn át và có khả năng biến thành sân sau giữa các tòa nhà cao tầng mọc chung quanh. Tòa cao ốc Metropolitan mặc dù với khối kiến trúc và phong cách của nó là một giải pháp thành công trong khu vực chung nhưng do vị trí xây dựng ở ngay góc đường Đồng Khởi – Nguyễn Du quá gần với quảng trường Công xã Paris, cùng với chiều cao công trình đã làm cho không gian kiến trúc Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố như bé nhỏ hẳn lại so với trước đây.
Hồng Quân
Bài 2: Chung tay bảo tồn kiến trúc cổ
Bảo tồn và phát huy những giá trị của hệ thống di sản kiến trúc trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ là vấn đề nan giải và phức tạp. Không thể phủ nhận những nỗ lực để bảo tồn các kiến trúc cổ và cũ của thành phố, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc quản lý và thực hiện.
Lúng túng giữa phát triển và bảo tồn
TS-KTS Cao Anh Tuấn thẳng thắn: Sự lúng túng trong cách giải quyết giữa phát triển và bảo tồn các di sản kiến trúc, giữa vấn đề an sinh xã hội với việc giữ gìn giá trị văn hóa chính là vấn đề nóng mà TPHCM đang phải đối mặt.
Trong chiến lược quy hoạch phát triển TPHCM hiện nay, công tác bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị chưa có một định hướng tổng thể và đồng bộ trên diện rộng. Chưa có một giải pháp, thủ pháp chuyên môn cụ thể và chi tiết. Chưa có những cơ quan chủ quản, phân cấp quản lý, công tác liên cơ quan, liên ngành một cách hợp lý và hiệu quả. Chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh và chưa có sự quan tâm, nhận thức đúng mực của toàn xã hội... Do vậy, TPHCM rất cần có những đề xuất cơ sở khoa học, giải pháp kiến trúc - quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị phù hợp và hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của quỹ di sản kiến trúc trong tiến trình phát triển đô thị.
Từ thực tế này, KTS Lý Thế Dân cho rằng, cần đưa ra giải pháp và cách thức ứng xử cụ thể cho từng loại hình kiến trúc. Mỗi loại hình kiến trúc có hình thức quản lý, đối tượng sở hữu và đối tượng sử dụng khác nhau, đồng thời quy mô và nội dung kiến trúc cũng khác hẳn nhau. Hơn nữa, kiến trúc cũ và cổ ở TPHCM rất đa dạng về nguồn gốc. Do đó, cần thiết phải có một đơn vị chuyên môn giám sát và quản lý chung hồ sơ kiến trúc và bảo tồn trùng tu các công trình kiến trúc cổ và cũ của TPHCM. Một trong những nguyên nhân gây mất mát kiến trúc cổ xuất phát từ vấn đề quản lý. Ngoài những công trình đã được xếp hạng di tích và một số công sở quan trọng khác, còn rất nhiều công trình kiến trúc cũ có giá trị hiện do nhiều đơn vị chủ quản khác nhau, ví dụ như các trường học, bệnh viện, công sở… cùng một số nhà ở do tư nhân quản lý.
Ông cũng bày tỏ: việc không cho phép xây dựng xung quanh các kiến trúc cổ là phi lý và bất khả thi. Hiện trạng kiến trúc cổ và cũ tại TPHCM có những đặc trưng riêng không giống một nơi nào khác. Chính vì thế, rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu và các thử nghiệm để tìm ra giải pháp thích hợp… Trong tương lai cần có những cố gắng phối hợp nhằm bảo tồn nguồn kiến trúc cổ và đề ra những phương cách tốt nhất để bảo tồn và quảng bá giá trị của chúng. Những hoạt động đó cộng chung với một chiến lược tổ chức không gian thích hợp là giải pháp hữu hiệu nhằm nêu bật tính cách đặc thù và bản sắc của thành phố.
Tránh lai căng, chắp vá
Để tránh lặp lại sự lai căng, chắp vá như thời gian vừa qua, việc nghiên cứu nghiêm túc các công trình kiến trúc cổ có giá trị là vô cùng cần thiết để giúp cải thiện bộ mặt đô thị TPHCM. Việc nghiên cứu những yếu tố kiến trúc thích ứng với điều kiện khí hậu tự nhiên và môi trường sinh thái trong các công trình cũ, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật kiến trúc, cách thức sử dụng vật liệu, màu sắc… để ứng dụng, tạo bản sắc bền vững cho cả nội dung lẫn hình thức của kiến trúc đương đại. Ngoài ra, tìm hiểu kiến trúc nhà cổ, biệt thự cũ cũng sẽ góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề nhà ở đang rất cấp bách của TPHCM.
Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Thành, trong xu hướng đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ cần cố gắng bảo vệ sự nguyên vẹn của các công trình kiến trúc quan trọng tại khu trung tâm thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Dinh Độc Lập, Tòa án Nhân dân thành phố, Nhà hát thành phố, trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố…
Một điều vô cùng quan trọng là phải tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu được ý nghĩa lịch sử, nhân văn to lớn ẩn chứa trong các công trình kiến trúc này. Trên cơ sở đó nâng cao ý thức của người dân nhất là nhân dân sinh sống quanh khu vực có di tích trong việc bảo vệ di tích, chống lại sự tàn phá của thời gian và cả sự xâm hại của con người.
Nhiều ý kiến đã nhắc tới bài học bảo tồn ở Hội An. Hội An có 1.269 di tích kiến trúc - nghệ thuật đã được bảo tồn, thoát khỏi nguy cơ quên lãng và hủy hoại. Đồng thời công tác bảo tồn đã huy động được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế. Hiện nay chính quyền và nhân dân địa phương đang tập trung nỗ lực của toàn thể cộng đồng nhằm quản lý, bảo tồn lâu dài, nguyên vẹn và sử dụng có hiệu quả các di tích danh thắng mang tính đặc thù ở Hội An như một thiết chế hành chính - kinh tế, văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn bó không thể tách rời. Theo KTS Lý Thế Dân, thành công nhất của Hội An là việc đưa được sức sống vào các công trình mà không hủy hoại hay làm mất đi những giá trị vật thể và phi vật thể vốn có.
|
HỒNG QUÂN