Việc tham gia của người dân là vấn đề bức thiết không thể thiếu trong quá trình quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Điều đó đang thể hiện ở chuyện thời sự - Thương xá Tax tại TPHCM.
Trang trí trên trần nhà Thương xá Tax.
Bảo tồn thích nghi
Những con gà ở chân cầu thang, sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn hoặc các đầu cầu thang trạm trổ... của trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại TPHCM đang được xem xét bảo tồn. Tuy vẫn còn phấp phỏng ở hai từ “xem xét” nhưng những người yêu di sản đã có thể ăn mừng. Không vui sao được khi chính quyền đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng trong việc gìn giữ di sản của tiền nhân.
Ngày 21-10, UBND TPHCM có văn bản giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo chính xác về quá trình hình thành và thay đổi theo thời gian của thương xá Tax; chủ trương trước đây của thành phố định hướng quy hoạch và bảo tồn trung tâm thương mại này. Đồng thời tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học và đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu đề xuất cụ thể việc bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) được giao làm việc lại với đơn vị tư vấn thiết kế để nghiên cứu kỹ, đề xuất cụ thể giải pháp bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax và báo cáo thông qua Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố trước khi trình UBND TP.
Sở dĩ thương xá Tax được cộng đồng quan tâm vì nó là một cảnh quan lịch sử, gắn liền với trụ sở UBND TPHCM và Nhà hát thành phố...
Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay TPHCM còn khoảng trên 60 công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Được xây dựng trong suốt một thời gian tương đối dài (1859 - 1954), các công trình kiến trúc này có số lượng lớn, không chỉ đa dạng về chức năng mà về kết cấu đặc trưng kiến trúc thuộc nhiều trường phái và phong cách khác nhau bắt nguồn từ phương Tây và chủ yếu do người phương Tây đưa tới. Không thể không công nhận một điều, chính những ảnh hưởng của văn hóa và văn minh phương Tây đã góp phần quan trọng vào việc hình thành những đô thị hiện đại cũng như những công trình kiến trúc hiện đại ở các thành phố lớn của Việt Nam và các nước Đông Nam Á - phương Đông nói chung. Dựa trên những công trình kiến trúc hiện còn, có thể nói, ở khu vực Đông Nam Á, hiếm có một đô thị nào lại có nhiều dạng kiến trúc khác nhau; nhiều dòng, nhiều trường phái, nhiều phong cách nghệ thuật kiến trúc của phương Tây như ở Sài Gòn - TPHCM.
Nhưng khi cơn lốc đô thị hóa quét đến, những di sản vô giá ấy đang trở nên lạc lõng giữa những kiến trúc cao tầng ốp kính bóng loáng vây xung quanh làm phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị. Các khu phố cổ người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đang bị xuống cấp trầm trọng, một vài ngôi nhà cổ có từ thế kỷ XIX của người Việt còn sót lại nhưng chắc chỉ chống chọi được vài năm nữa… Bảo tồn và phát triển luôn hằm hè với nhau trong cuộc sống. Kiến trúc sư - quy hoạch gia Nguyễn Hữu Thái buồn bã: Trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã nổ ra không ít tranh luận giữa một bên mong muốn bảo tồn cái cũ và bên kia là phá đi để có chỗ xây dựng cái mới. Các nhà quản lý đô thị và kinh tế cho rằng: Giới nghiên cứu văn hóa, kiến trúc thì nhìn ở đâu cũng thấy vốn quý di sản cần bảo tồn, vậy còn đâu ra chỗ để xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế đất nước! Đến các khu trung tâm Hà Nội hoặc TPHCM và thậm chí ở Huế, Đà Lạt ta cũng nghe không ít lời trách cứ tương tự của các nhà đầu tư địa ốc nóng lòng muốn xây dựng nhà cao tầng khi họ gặp phải phản ứng của các nhà bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc.
Con gà, tay vịn cầu thang làm bằng đồng là những nét kiến trúc độc đáo của Thương xá Tax. Ảnh: THANH LÊ
Đề cao vai trò của cộng đồng
Đến thành phố Kobe (Nhật Bản), chúng tôi thấy trước cửa một khách sạn sang trọng vẫn còn nguyên hai mảng tường nham nhở vì động đất năm nào. Bà Misuyo Shibusawa, một người dân địa phương, cho biết: Trận động đất kinh hoàng 7,2 độ richter năm 1995 kéo dài 20 giây đã làm rung chuyển cả phía Nam tỉnh Hyogo khiến gần 6.500 người chết, hơn 300.000 người mất nhà cửa, 200.000 ngôi nhà sụp đổ, nhiều kho cảng, công sở, đường tàu cao tốc… bị phá hủy. Nhật Bản nằm trên đường ranh giới giữa 4 mảng kiến tạo địa chất của trái đất nên lịch sử của dân tộc này là cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ với thảm họa thiên nhiên. Sống ở một đất nước bị thiên nhiên đe dọa nên người Nhật luôn khắc cốt ghi tâm thảm họa động đất.
Đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp… vào một cơ sở sản xuất, một cửa hàng, ta cũng dễ dàng bắt gặp những góc trưng bày lịch sử và văn hóa nghề nghiệp mà người ta đang sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc người dân có tấm lòng yêu di sản văn hóa, có ý thức bảo tồn, đam mê sưu tầm hiện vật… thì đây cũng là cách người ta khôn khéo thổi hàm lượng văn hóa vào trong mỗi sản phẩm. Khi từng người dân có niềm đam mê với vốn cổ, họ sẽ chung sức cùng chính quyền giữ gìn di sản.
Anh Nguyễn Quang Giải, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, rất đề cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa. Anh lý giải: Di sản văn hóa là tài sản của quốc gia, của mọi giai tầng xã hội do vậy cần tôn trọng sự tham gia của các thành phần xã hội trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Bài học của quá trình phát triển là hãy để chính người dân cùng tham gia quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Việc tham gia của người dân là vấn đề bức thiết không thể thiếu trong quá trình quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Xét cho cùng mục tiêu quan trọng nhất của bảo tồn và phát huy, đề cao giá trị di sản văn hóa dân tộc là vì con người, vậy thì vai trò của người dân tại chỗ cần phải đặt đúng vị trí và xứng tầm.
Trở lại với thương xá Tax, nếu như chỉ cần chủ đầu tư xây dựng mới tòa nhà có ý thức giữ gìn di sản thì chắc chắn họ sẽ dành một không gian hợp lý để giữ lại một số vật thể di sản kiến trúc của tòa nhà cũ để lập một phòng trưng bày lịch sử tòa nhà. Lý tưởng nhất là họ biết cách làm cuộc đối thoại cũ - mới trong tòa nhà. Như thế thì khách đến mua sắm, tham quan chắc chắn sẽ tăng hơn nhiều nếu nơi đây chỉ có tòa nhà hoàn toàn xây dựng mới, không ký ức.
Nói đâu xa, khách sạn Continental trong việc trùng tu đã khôn ngoan khi giữ lại kiến trúc cũ, chắc chắn không phải vì nhà đầu tư không đủ nguồn lực xây dựng tòa nhà lên hàng chục tầng để khai thác lợi nhuận. Mà vì họ đã tính đến việc sẽ khai thác nguồn lợi từ thương hiệu văn hóa bao gồm vị trí cảnh quan, giá trị lịch sử - tuổi đời, ký ức của những người từng đến, từng ở khách sạn, giá trị những sự kiện đã diễn ra ở đây, những nhân vật nổi tiếng đã từng lưu trú tại đây… Việc làm này có một ý nghĩa vừa bảo tồn vừa khai thác một cách phù hợp và có hiệu quả giá trị di sản văn hóa của thành phố. Đóng góp này tuy “vô hình” nhưng lâu bền vì nó tác động vào tình cảm con người, làm chiếc cầu tiếp nối ký ức của nhiều thế hệ.
Theo bà Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ khảo cổ học: “Giá trị phi vật thể có thể quy đổi thành vật thể: chi phí tại đây cao hơn vì ngoài chi phí cho tiện nghi dịch vụ còn có phí từ giá trị lịch sử của khách sạn. Đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng như thế để giới thiệu và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam. Khách đến đây khi chấp nhận chi phí cao có nghĩa là họ hiểu về giá trị “tiềm ẩn” của khách sạn, thể hiện một “đẳng cấp văn hóa cao” vì họ không chỉ quan tâm, đòi hỏi tiện nghi sang trọng mà còn có sự hiểu biết và trân trọng lịch sử - văn hóa của khách sạn đó nói riêng và Việt Nam nói chung”.
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG