Ngày 7-4, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê- Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chính thức đón nhận bằng Di sản tư liệu thế giới trong chương trình Ký ức thế giới do UNESCO công nhận. Tin vui làm náo nức lòng người, song phát huy và bảo tồn di sản như thế nào vẫn đang là bài toán khó đối với nhà quản lý.
Giá trị nổi bật toàn cầu
Văn Miếu- Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng nằm giữa thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Việc đón nhận bằng di sản tư liệu thế giới của 82 bia đá tiến sĩ một lần nữa khẳng định giá trị vô giá của di sản này.
Nằm trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 82 bia đá về các khoa thi tiến sĩ luôn được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như lịch sử, văn hóa, giáo dục, triết học, pháp luật, ngôn ngữ văn tự thời kỳ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Đặc biệt, tiêu đề của bia viết theo lối triện thư, một thể chữ truyền thống của Trung Hoa hình thành thời Chiến Quốc và ngày nay ít được sử dụng.
Đây là những tư liệu nguyên bản, phản ánh truyền thống sáng tạo về Thư pháp học ở Việt Nam. Mỗi tấm bia còn như một tác phẩm nghệ thuật với phong cách trang trí đa dạng. Đáng kể nhất, nhiều tấm bia mang hình rồng, một số vẫn mô phỏng theo phong cách Lý- Trần, phần còn lại theo phong cách mới - với xu hướng dân gian hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật coi đây là nguồn tư liệu vô giá. Mỗi tấm văn bia này, không chỉ là nơi lưu danh thân thế sự nghiệp các sứ thần Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong mối quan hệ giao bang với các nước vùng Đông Bắc Á.
Bà Katherine Muller, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, tâm sự: “Được chiêm ngưỡng di sản tư liệu này, tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào lớn lao của các sĩ tử khi vượt qua vũ môn, được lưu lại tên tuổi trên những tấm bia. Và không có một nơi nào có thể lưu giữ những ký ức, bản sắc văn hóa phù hợp hơn là Văn Miếu- Quốc Tử Giám”.
Dựng hàng rào hay khung kính?
Là một địa danh lịch sử văn hóa, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, lượng du khách đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày một đông hơn theo thời gian, song điều đó cũng đem tới cho di sản nhiều nguy cơ trong vấn đề bảo tồn.
Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, mỗi khi xuân sang tết đến, những mùa thi và rải rác trong năm, nhiều người dân, du khách vô tư sờ bia, xoa đầu con bi hí đội bia (mà lâu nay mọi người vẫn hay gọi là đầu rùa), thậm chí có người còn xoa tay, dùng tiền lẻ xát lên mặt tấm bia mong có nhiều may mắn. Hậu quả là đầu rùa cứ bóng lên, chữ trên bia thì mờ dần sau mỗi “kiếp nạn” như thế.
Ngoài sự vô ý thức này, điều kiện khí hậu, thời tiết cũng đe dọa di sản, mặc dù với chất liệu đá độ bền rất lâu dài. Những tấm bia qua phong sương có thể bị lên rêu mốc, khi trời nồm đá “đổ mồ hôi” rồi bị bụi bám… Trung tâm thường xuyên cho lau dọn, năm 1995 đã từng có chuyên gia nước ngoài đến thí nghiệm phun hóa chất chống nấm mốc trên mái ngói Văn Miếu, có nghiên cứu thử với bia nhưng vẫn chưa áp dụng được.
Sau khi bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO vinh danh, việc bảo tồn lại một lần nữa được đưa ra, với các đề xuất như xây dựng một hàng rào gỗ hoặc bảo tồn toàn bộ, tức là đưa cả nhà bia vào khung kính... theo ông Đặng Kim Ngọc vẫn chưa có phương án cụ thể nào được lựa chọn.
Theo tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, người đã từng phải đối đầu với khá nhiều búa rìu dư luận khi ủng hộ việc xây dựng nhà bia, đưa toàn bộ bia tiến sĩ từ ngoài trời vào trong nhà từ những năm 90 của thế kỷ trước cũng rất trăn trở về hiện tượng này.
Ông tâm sự: “Mỗi phương án bảo tồn di sản được đưa ra luôn có hai mặt tốt - xấu, song người làm di sản phải biết chọn lựa phương thức ít ảnh hưởng tới di sản nhất”. Theo quan điểm của TS Bài thì nên lựa chọn cách làm hàng rào thay vì đưa di sản vào khung kính như vậy người dân vừa có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu di sản mà vẫn tránh được sự xâm hại. Tuy nhiên, dựng hàng rào bằng chất liệu gì, độ cao và hình dáng ra sao thì cần phải tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với cảnh quan của di tích.
Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh cho rằng, song song với việc bảo tồn, cũng nên áp dụng công nghệ hiện đại như xây dựng hệ thống ảnh tư liệu tổng thể, bộ phận, chi tiết kèm theo mã, ký hiệu để người xem tiện tra cứu trên mạng Internet. Nội dung văn bia cũng nên dịch ra tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc để giới thiệu rộng rãi.
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý đưa ra phương án bảo tồn di sản hợp lý nhất, ngay tại Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần đưa ra thêm nhiều lời cảnh báo trên vé, hoặc ngay trước khu nhà bia tiến sĩ... nhằm nhắc nhở du khách có ý thức hơn trong việc chung tay gìn giữ di sản của nhân loại.
Hoàng Lan