Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 (Vietnam ICT Summit 2012) vừa diễn ra ở Hà Nội, cộng đồng CNTT Việt Nam đã đưa ra 13 khuyến nghị với các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, với cộng đồng doanh nghiệp CNTT nhằm đóng góp vào việc triển khai thành công Nghị quyết 13 của BCH Trung ương 4 (khóa XI) và hiện thực hóa tầm nhìn mới của Nghị quyết 13 về việc coi CNTT là “hạ tầng của hạ tầng quốc gia”.
Một trong những khuyến nghị đó là Bộ Chính trị cần sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về CNTT và hiện đại hóa đất nước phù hợp với quan điểm mới của Đảng về vai trò của CNTT để thay thế Chỉ thị 58/CT-TW được ban hành cách đây hơn 10 năm. Làm sao xác định rõ những nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng để CNTT vừa là ngành kinh tế mũi nhọn, vừa thực sự là động lực, hạ tầng, công cụ góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, giúp các ngành, địa phương phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao năng suất hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của mọi ngành kinh tế và của toàn xã hội.
Ông Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Nghị quyết 13 của BCH Trung ương Đảng đã khẳng định vai trò nền tảng của CNTT đối với sự phát triển, hiện đại hóa của từng ngành, từng lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế. Đây là quan điểm đột phá mới trong tư duy chiến lược của Đảng về phát triển hạ tầng quốc gia được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang tiến nhanh vào kỷ nguyên số với xu thế phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Lựa chọn CNTT chính là lựa chọn con đường để Việt Nam đi tắt, đón đầu.
Với CNTT, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn và toàn diện hơn, giúp Việt Nam có được vị trí cao trong chuỗi giá trị phân công lao động toàn cầu... TS Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) cũng cho rằng Nghị quyết Trung ương 13 với tầm nhìn mới về vị trí, vai trò của CNTT trong hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia, hiện đại hóa đất nước đang mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia mạnh về CNTT và mạnh bằng CNTT, vượt qua các thách thức của hội nhập quốc tế, của nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đúng về vai trò hạ tầng của hạ tầng, kết nối hạ tầng thông minh cho quốc gia của CNTT. Đa phần vẫn chỉ coi CNTT như công cụ được sử dụng đơn lẻ, thiếu tính kết nối đa chiều, đa lĩnh vực. Bởi vậy, rất cần nghị quyết chuyên đề mới về CNTT, thay thế Chỉ thị số 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đã được Bộ Chính trị ban hành từ năm 2000.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng sau hơn 25 năm đổi mới, nhìn nhận chung tiềm lực nền kinh tế của Việt Nam được nâng cao, đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa dựa nhiều vào tri thức và khoa học công nghệ.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thực trạng đó là sự nhận thức hạn chế về vai trò quan trọng của CNTT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “CNTT phải được coi là một bộ phận của kết cấu hạ tầng quốc gia và trở thành công cụ quan trọng làm thay đổi mạnh mẽ năng suất lao động trong mọi ngành kinh tế, là công cụ để quản lý, vận hành, kết nối hiệu quả toàn bộ hệ thống hạ tầng và là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân nhấn mạnh.
TRẦN LƯU