Do nhu cầu nghề nghiệp, Phạm Quốc Toàn có nhiều dịp ra nước ngoài và theo tôi hiểu, hầu hết các chuyến đi của anh không hẳn là du lịch. Anh đi công tác. Vậy mà đi đâu viết đó, viết tại chỗ hoặc viết sau khi trở về, cứ thế anh cần mẫn tích cóp, đầu tư tâm trí và vừa cho ra một tập du ký dày gần 500 trang tập hợp các bài viết về vài chục chuyến đi nước ngoài của anh thời gian gần đây.
Từ những quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia đến những chân trời xa vời - xa mà không quá lạ - từ Australia tận Nam Thái Bình Dương đến nước Mỹ bên Đại Tây Dương, lên Thụy Sĩ, Na Uy giàu sang và nước Nga hùng vĩ ở phương Bắc... Tác giả khiêm tốn thưa cùng bạn đọc: “Tất cả chỉ là cảm xúc từ tấm lòng thành của người cưỡi ngựa xem hoa. Nghe gì, thấy gì, biết gì ghi nấy...”.
Tôi dám quả quyết: Phạm Quốc Toàn không cảm xúc phơn phớt, anh không đơn thuần cưỡi ngựa xem hoa. Tập du ký của anh chứa nhiều tư liệu phong phú, mỗi thứ có thời gian và không gian xác định, cùng những số liệu vừa đủ minh chứng cảm nhận của mình mà không tới mức rườm rà.
Bút pháp anh giản dị, hồn nhiên, thể hiện chất tân văn thời hiện tại. Tôi dám quả quyết, bất kỳ ai lên đường du hay chuyển mà không chuẩn bị tâm thế, thiếu những kiến thức có sẵn trong đầu, không dễ tự dưng viết nên những bài ký cuốn hút và nhiều gợi cảm như Phạm Quốc Toàn trong Đi một ngày đàng... Cái vốn kiến thức rốt cuộc là “sàng khôn” tích lũy cả đời người.
Bất kỳ ai từng viết bút ký, ký sự, dù là bút ký văn học hay ký sự tân văn, đều thấm thía điểm này. Có những chuyến đi xa mệt đến rã rời, ta thèm viết ngay tại chỗ, vừa về tới nhà chưa kịp thở lấy hơi đã náo nức ngồi luôn vào bàn làm việc. Lại có những dịp được đi ung dung thoải mái, trở về cứ vò đầu bứt tóc hoài trước trang giấy mà giấy trắng vẫn hoàn nguyên màu trắng.
Một nét biểu hiện rõ tính tân văn ở Phạm Quốc Toàn là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Anh có thái độ rành mạch trước những gì mắt thấy, tai nghe. Có những điều người viết hết lòng ngưỡng mộ và trông người lại ngẫm đến ta. Có những chi tiết tưởng tác giả bình thản nhưng thật tình đang tìm cách tỏ bày thái độ. Báo chí Mỹ đáng cho ta nể phục lắm, có nhiều việc bạn làm thường ngày, sức ta còn lâu mới với tới...
Nhưng, tại sao hầu như cả ngành truyền thông Mỹ lại hùa theo những tay diều hâu trong bộ máy cầm quyền, làm rùm beng về một điều bịa đặt gọi là “sự kiện vịnh Bắc bộ” năm 1964, tạo cớ cho cánh diều hâu gây nên cuộc chiến tranh tàn phá Việt Nam và cuối cùng Mỹ cam chịu thất bại?
Do đâu báo chí Mỹ nhất tề hòa chung giọng với cơ quan mật vụ, lu loa rằng nhà lãnh đạo Sadam Hussein nắm trong tay nhiều loại vũ khí hủy diệt, vì vậy Tổng thống George Bush phải ra đòn trước, diệt nước Cộng hòa Iraq để bảo vệ mình và che chở cho toàn nhân loại? Và câu trả lời những người bạn Mỹ đáng kính chỉ có thể là thừa nhận: “Báo chí Mỹ đã rất sai lầm, đã thiếu trách nhiệm trong thông tin”.
Đến đất nước Hà Lan “giàu bản sắc văn hóa, yêu âm nhạc”, tác giả bàng hoàng mê mẩn trước cảnh trên trời dưới hoa, riêng một thị trấn Lisse mỗi năm đã trồng và thu hoạch tới 7 triệu bông hoa tulip, nhưng làm sao Phạm Quốc Toàn có thể đồng tình với cảnh “Phố đèn đỏ” ngay tại thủ đô Amsterdam: “một khu phố rộng đến 4.000m², với hơn 500 nhà kính nhốt chừng ấy cô gái bán mình cho bất kỳ người đàn ông nào... Tất cả đều thuận mua vừa bán, cung và cầu theo cơ chế thị trường, hoạt động 24/24 giờ, có cảnh sát bảo vệ”. Tại sao? Lời giải cực kỳ giản đơn: tại riêng 500 cô gái bán thân tại khu “Phố đèn đỏ” mỗi năm đã góp chừng 15% doanh thu từ thuế cho thủ đô Amsterdam giàu sang, sạch sẽ, tinh khiết môi trường thiên nhiên.
Cũng là một người từng có viết dăm bảy bài du ký sau những chuyến chuyển dịch vì việc công, trước sau tôi lòng lại dặn lòng: Hãy đi, thấy, hiểu rồi sẻ chia. Và đã làm nghề cầm bút, nhất thiết phải sẻ chia. Tôi tin Phạm Quốc Toàn đồng cảm, bởi anh đã nghĩ đã làm theo tinh thần ấy với phong cách riêng của anh. Và đấy, theo tôi, chính là một lý do nữa khiến Đi một ngày đàng… của anh ngồn ngộn thông tin, sự kiện, nhận xét, suy ngẫm, làm cho tập bút ký đọc nhẹ nhàng mà thú vị, bổ ích làm sao.
PHAN QUANG
(*) Nhân đọc “Đi một ngày đàng” của Phạm Quốc Toàn, NXB Hội Nhà văn, 2014.