
Tưởng rằng, đã là di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia thì sẽ được các ban ngành và nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo cẩn thận. Thế nhưng Bến phà Bình Ca (Tuyên Quang) thì ngược lại, con đường Chiến Thắng mất vết, bến phà đã bị di chuyển, còn phần nền móng, bến đỗ thì bị người ta “xé thịt”...
Còn đâu con đường xưa!

Từ thị xã Tuyên Quang, khi biết chúng tôi đi lấy tư liệu viết về bến Bình Ca, người xe ôm đứng tuổi rất sốt sắng dẫn đường.
Trước lúc lên xe, ông nói như báo động: “Còn gì nữa mà thăm với nom, người dân ở đây đang bức xúc vì hậu thế nỡ quên đi chứng tích hào hùng của dân tộc”.
Cũng xin nhắc lại, con đường mang tên Chiến Thắng là huyết mạch của chiến dịch Thu Đông và Biên Giới năm 1950, góp phần làm nên đại thắng Điện Biên Phủ. Vậy mà giờ đây, con đường hào hùng năm xưa chỉ còn toàn là đá chông chênh nham nhở.
Trên 10km xuyên dọc con đường lịch sử, chúng tôi nhiều lần phải “nai” người đẩy xe vượt đá. Có đoạn, con đường bị sóng nước sông Lô nhô cao đánh cho “rách” tơi tả, không còn lối cho xe và người qua lại.
Bác tài xe ôm kể: “Nếu như không có ông chủ tịch xã Thái Bình thì con đường này đã biến mất dạng rồi. Năm 1997, thấy đường quá xuống cấp, ông ấy đứng ra vận động tiền và sức lao động của người dân, cùng nhau rải đá, sửa chữa lại con đường”.
Cũng may là đã có một ông chủ tịch xã như thế, nhờ có sự hô hào theo kiểu phong trào thì con đường lịch sử mới còn dấu vết như thế này. Có vẻ như ông đã làm quá sức mình, vì lẽ ra việc này phải do ngành văn hóa, chính quyền Tuyên Quang vào cuộc từ lâu rồi mới phải.
Bây giờ, hỏi những người dân sống hai bên con đường Chiến Thắng, họ đều bức xúc. Không chỉ bởi họ khó thông thương làm ăn, mà còn vì con đường mang niềm kiêu hãnh của một dân tộc đã bị bỏ quên thành hoang tích.
Đáng tiếc nhất là đoạn đường tiếp giáp bến Bình Ca đã bị người ta lấy đất đá thành một vết cắt sâu hoắm, làm mất lối xuống bến phà.
Hồi chiến tranh, lắm cây cối, dốc đèo, mà ông cha cũng tìm ra lối, đắp lên đất để mở thành một con đường lịch sử. Sau ngày hòa bình, nó là con đường dân sinh thuận lợi. Vậy mà đến những năm đầu của thế kỷ XXI này, người ta lại bỏ quên nó cho thiên nhiên phá hoại.
Ngày trước, từ thị xã Tuyên Quang, thương lái đi về nườm nượp, dân trí phát triển. Con đường này nối thẳng lên khu di tích Na Hang, bà con trong vùng nương theo làm ăn. Nhưng khi con đường bị bỏ quên thành hoang phế thì đời sống kinh tế, dân trí như kéo ngược lùi theo thời gian.
Tan hoang bến phà
Ông lão Nguyễn Văn Cường, 75 tuổi, ở xóm Tân Biên, ngay cạnh bến phà, kể chuyện ông đã gắn bó trọn cuộc đời với nước sông Lô, cùng với bến phà đồng kham cộng khổ trong chiến tranh. Tuổi trẻ của ông vui buồn cũng trên bến phà này.
Còn nhớ, có lần vào cuối năm 2005, xóm Tâm Biên họp dân. Ông Cường chống gậy đến dự họp và phát biểu: “Tôi thì đã già rồi nhưng nhìn bọn thanh niên, bọn buôn bán phế liệu đem xà beng, máy khoan phá phần móng của Bến phà Bình Ca để lấy sắt thép thì không chịu được, phải đến để tố cáo. Các anh là cán bộ cơ sở, phải có trách nhiệm báo cáo lên trên có biện pháp để răn đe những người phá hoại của công, phá hoại di tích chứ”.
Trước mặt nhóm phóng viên chúng tôi, ông tần mần khắp các lõi thép bị vặn ngang mà nước mắt rưng rưng.
Theo như tìm hiểu của chúng tôi, đã hơn hai năm nay, phần lớn diện tích nền của bến phà bị xuống cấp nặng, một số người đã đem dụng cụ đục lấy sắt thép dần dần, làm cho chân bến bị xói lở gần như hoàn toàn. Thậm chí, có người còn đem thuyền chở đá, vôi vữa về làm nhà.
Ông Tạ Văn Bưu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thái Bình, nói: “Với mức độ phá hoại như thế này, chỉ mấy tháng nữa là phần móng, nền, chân bến phà sẽ biến mất! Các chú làm báo thì lên tiếng kêu giúp, để cấp trên cử cán bộ về xem Bến phà Bình Ca lịch sử đang bị phá, cạn sức sống như người già chúng tôi vậy, chẳng mấy chốc mà chết”.
Khi nào di tích được phục hồi?
Ba di tích quan trọng trong hệ di tích Bình Ca được xếp hạng là đường Chiến Thắng, phà Bình Ca và Tượng đài Chiến Thắng, hiện nay chỉ có tượng đài là được tôn tạo. Tuy nhiên, do hệ thống đường sá, bến phà đã thành phế tích nên dù tượng đài có đẹp, có hoành tráng tới đâu cũng chỉ đứng trơ trọi, không có ai đến tham quan, không được khai thác đúng với tầm vóc lịch sử.
Chúng tôi nhận được câu trả lời từ UBND xã Thái Bình rằng, từ khi bến phà bị kéo đi, không thấy UBND tỉnh và Sở VH-TT có ý kiến chỉ đạo là bảo tồn hay tôn tạo nên cấp xã cũng chỉ biết buông xuôi.
Nói về việc chiếc phà Bình Ca lịch sử bị di dời khỏi bến, chúng tôi đã tìm hiểu tại Sở VH-TT Tuyên Quang, được cho biết là bến phà được kéo đi lưu giữ ở nhà bảo tàng của tỉnh!
Được biết, để phát triển kinh tế trong khu vực, một con đường mới - song song với đường Chiến Thắng - nối từ thị xã Tuyên Quang lên tận Na Hang đã được xây dựng; phà Bình Ca cũng “trở thành dĩ vãng” khi một cây cầu kiên cố được bắc ngang sông.
Chỉ đáng tiếc là từ khi có con đường mới, năm 1997, chính quyền địa phương đã “bỏ rơi” hệ thống di tích lịch sử nổi tiếng nói trên mặc cho con người và thiên nhiên tàn phá.
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát. Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca… Cứ tưởng di tích Bình Ca sẽ bất tử với những vần thơ, thế mà giờ đây Bình Ca đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Nếu các ngành chức năng không có biện pháp bảo tồn, tôn tạo kịp thời, e rằng di tích lịch sử Bình Ca sẽ “chết” dần trong lặng lẽ…
Thành Văn
(Báo SGGP 12G)