Di tích chiến thắng Măng Bút

Măng Bút (thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là một vùng lòng chảo rộng lớn, xung quanh được bao bọc bởi hai hệ thống núi cao (vòng ngoài từ 1.000 đến 1.300m, vòng trong từ 800 đến 1.000m); sát khu trung tâm có hệ thống sông Đăk S’nghé và Nước Cheng cùng với đầm lầy tạo nên một bức thủy thành tự nhiên rất lợi hại.
Di tích chiến thắng Măng Bút

Măng Bút (thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là một vùng lòng chảo rộng lớn, xung quanh được bao bọc bởi hai hệ thống núi cao (vòng ngoài từ 1.000 đến 1.300m, vòng trong từ 800 đến 1.000m); sát khu trung tâm có hệ thống sông Đăk S’nghé và Nước Cheng cùng với đầm lầy tạo nên một bức thủy thành tự nhiên rất lợi hại.

Tại đây, Mỹ đã cho xây dựng sân bay có quy mô lớn được coi như một cảng hàng không quân sự, cùng với hệ thống kho tàng, bệnh viện, trường học, nhà thờ; hệ thống lô cốt hầm ngầm, giao thông hào, kẽm gai được bố trí đủ loại mìn dày đặc... Với ưu thế về địa hình, cộng thêm việc Pháp và Mỹ xây dựng cứ điểm quân sự vững chắc như vậy, Măng Bút có vai trò vừa là hành lang để địch đánh nống xuống vùng đồng bằng miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, vừa có vai trò cố thủ khi Tây nguyên bị ta đánh chiếm. Đến cuối năm 1968, lực lượng địch đã lên đến 1 tiểu đoàn, luôn có từ 15 đến 20 cố vấn Mỹ; chúng chia thành 3 khu Wang Tua, Tăng Bô và Măng Bút và kiểm soát 64 làng với 2.351 dân. Sang năm 1972, tại Quận lỵ Măng Bút địch bố trí 1 tiểu đoàn quân chủ lực với gần 400 tên. Với việc được xây dựng kiên cố và vững chắc như thế, Quận trưởng Măng Bút huênh hoang tuyên bố “Khi nào nước sông Đăk S’nghé chảy ngược thì Việt cộng mới lấy được Măng Bút”...

Trường PTDT Bán trú THCS Măng Bút được xây dựng tại lòng chảo Măng Bút.

Trường PTDT Bán trú THCS Măng Bút được xây dựng tại lòng chảo Măng Bút.

Về phía ta, sau khi kết thúc chiến dịch Thu Đông 1964, Khu ủy và Quân khu V tiếp tục mở chiến dịch Xuân 1965. Lực lượng du kích của H16 (huyện Kon Rẫy ngày nay) và H29 (Kon Plông ngày nay) tích cực tham gia phối hợp với với lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum và bộ đội chủ lực Mặt trận Tây nguyên bao vây địch ở Măng Đen, Măng Bút, phá hoại đường 5 để hạn chế việc cơ động, ứng cứu của quân ngụy. Đầu mùa mưa 1972, bộ đội địa phương H16 và H29 phối hợp với du kích bao vây Măng Bút suốt 1 tháng ròng khiến địch phải dùng máy bay để thả dù tiếp tế hàng. Khi Hiệp định Paris được ký kết, dù lệnh ngừng bắn được ban hành nhưng bọn địch ở Măng Bút vẫn hoạt động quyết liệt.

Đến tháng 5-1973, địch đã lấn chiếm thêm 2 chốt Tu Bành và Ngọc Ngo. Cuộc đấu tranh giữ cờ giành dân ở Măng Bút vô cùng quyết liệt, đặc biệt là ở các làng Cô Chát, Kon Kleng, Tu Bành... Giữa năm 1974, sau khi phân tích, đánh giá tình hình địch và ta trên chiến trường Bắc Tây nguyên, Tỉnh ủy Kon Tum và Bộ Tư lệnh B3 có chủ trương tiến công tiêu diệt địch tại các cứ điểm đóng sâu trong vùng căn cứ của ta, như: Măng Đen, Đăk Pet, Măng Bút. Ngày 11-6-1974, các lực lượng của huyện H16, H19 và bộ đội chủ lực Sư đoàn 10 (Mặt trận Tây nguyên) dùng pháo binh, hỏa lực tiêu diệt các chốt vòng ngoài; bao vây, áp sát vào khu vực Quận lỵ Măng Bút, dùng loa tuyên truyền vào trong uy hiếp địch...

Tiếp đến, từ 15 đến 20-8-1974, ta đồng loạt tấn công vào khu trung tâm của địch ở Măng Bút. 16 giờ ngày 20-8-1974, chi khu Quận lỵ Măng Bút hoàn toàn được giải phóng. Cùng với chiến thắng Măng Đen, Kon Praih, chiến thắng Măng Bút đã giúp quân và dân ta đã giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Kon Tum; tạo bàn đạp tấn công giải phóng Kon Tum, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền địa phương đã xây dựng một bia ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh tại cứ điểm Măng Bút. Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Măng Bút thuộc xã Măng Bút, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), cách thành phố Kon Tum khoảng 90km về phía Đông Bắc, hiện là niềm kiêu hãnh của quân và dân Kon Tum nói riêng, Quân khu V nói chung trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Trần Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục