Di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cần được bảo vệ

Mới đây, Bộ VH-TT-DL vừa có công văn gởi UBND TPHCM về việc quy hoạch Xí nghiệp Liên hiệp (XNLH) Ba Son liên quan đến di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND TPHCM xem xét chỉ đạo cơ quan chức năng điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phù hợp quy định Luật Di sản văn hóa để bảo vệ tốt các di tích trên địa bàn.
Di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cần được bảo vệ

Mới đây, Bộ VH-TT-DL vừa có công văn gởi UBND TPHCM về việc quy hoạch Xí nghiệp Liên hiệp (XNLH) Ba Son liên quan đến di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND TPHCM xem xét chỉ đạo cơ quan chức năng điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phù hợp quy định Luật Di sản văn hóa để bảo vệ tốt các di tích trên địa bàn.

Người dân tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TPHCM).

Người dân tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TPHCM).

Theo Bộ VH-TT-DL, di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại XNLH Ba Son đã được xếp hạng di tích quốc gia ngày 12-8-1993. Khu vực ụ tàu gần xưởng cơ khí đã được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận về mặt chủ trương xây dựng hồ sơ di tích bổ sung vào di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại XNLH Ba Son (tại công văn số 919 ngày 17-11-2009). Vì vậy, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, các di tích nêu trên cần được bảo vệ theo đúng khoanh vùng bảo vệ di tích đã được thiết lập. Việc quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và việc xây dựng gần khu vực di tích đã xếp hạng cần phải bảo đảm giữ gìn di tích và có ý kiến của Bộ VH-TT-DL.

Sở dĩ có động thái này là vì trước đó, Bộ VH-TT-DL đã nhận được báo cáo về việc quy hoạch chi tiết 1/500 khu Nhà máy đóng tàu Ba Son với phương án dỡ bỏ toàn bộ di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại XNLH Ba Son (tổng diện tích 1.949,48 m2), sau đó làm thành mô hình theo tỷ lệ thu nhỏ. Toàn bộ hiện vật sẽ đưa vào trưng bày trong Bảo tàng lịch sử Ba Son (dự kiến) và khu vực ụ tàu (được xây dựng từ năm 1884) chỉ được giữ lại một phần nhỏ phía đầu ụ tàu, nơi có ghi niên đại.

Gần đây, câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa thực sự đã “nóng” hơn tại nhiều hội thảo khoa học và chốn nghị trường. Lãnh đạo TP và các cấp ngành luôn quan tâm làm sao để phát huy tốt các giá trị của di sản văn hóa và giúp người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ di sản văn hóa.

Thực tế, ngoài những đơn vị bảo vệ, phát huy tốt giá trị di tích cũng có không ít nơi, nhiều người hành xử với di tích chưa đúng đạo lý và luật lệ. Ba Son là cái nôi phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam tại Sài Gòn từ trước giải phóng và xưởng cơ khí mang số 323, đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng từng làm việc và hoạt động cách mạng trong thời gian dài.

Vì vậy, UBND TPHCM lưu ý, khi quy hoạch khu đất này các di tích (xưởng đóng tàu Ba Son và nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng) phải được giữ gìn, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Thế nhưng, phương án bảo tồn di tích đang hiện hữu này lại là dỡ bỏ toàn bộ địa điểm di tích, sau đó làm lại thành… mô hình theo tỷ lệ thu nhỏ. Còn toàn bộ xưởng lịch sử Ba Son được đề xuất bảo tồn bằng cách chụp ảnh, ghi hình lại những địa điểm, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm tư liệu để trình chiếu cho người dân xem khi đến tham quan nơi đây!? Vô hình trung cách làm này đã biến di sản văn hóa từ hữu hình thành vô hình, từ di sản văn hóa vật thể thành ra phi vật thể!

Còn nhớ cách đây không lâu, câu chuyện về công trình thủy đài 115 tuổi (gồm tháp nước, giếng lớn và nhà máy bơm - hệ thống ngầm, nằm trong khuôn viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, số 1 Công trường Quốc Tế, quận 3) được đề xuất bảo tồn khi đang quy hoạch thực hiện dự án xây dựng cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng - khách sạn. Ai cũng nghĩ sự việc sẽ trở nên rất phức tạp.

Tuy nhiên, ngay khi nhận tin công trình thủy đài sẽ được lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp TP, đơn vị chủ đầu tư không những đã chủ động báo cáo Thường trực UBND TP, xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn để công ty bảo đảm kế hoạch, tiến độ dự án mà còn nhiệt tình hỗ trợ các ngành chức năng thực hiện khảo sát và lập hồ sơ cho di tích kiến trúc nghệ thuật này.

Hai câu chuyện đều hướng về quy hoạch phát triển và bảo tồn di sản văn hóa nhưng không phải nơi nào người ta cũng nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của di sản. Vì vậy, nhà nước cần định hướng và chỉ đạo thực hiện cụ thể theo luật định, nhất là những di tích liên quan đến lãnh tụ và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc.

Minh An

Tin cùng chuyên mục