Đi tìm giá trị thật

Sau mỗi kỳ SEA Games, báo Bangkok Post luôn dành hẳn một chuyên mục để đánh giá thành quả của các nền thể thao trong khu vực, tập trung chủ yếu vào nhóm môn Olympic như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng đá, judo… Đấy là cơ sở để chứng minh sự phát triển thể thao của của một quốc gia, chứ không phải dựa trên tổng số lượng huy chương vàng mà họ đạt được.

Sau mỗi kỳ SEA Games, báo Bangkok Post luôn dành hẳn một chuyên mục để đánh giá thành quả của các nền thể thao trong khu vực, tập trung chủ yếu vào nhóm môn Olympic như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng đá, judo… Đấy là cơ sở để chứng minh sự phát triển thể thao của của một quốc gia, chứ không phải dựa trên tổng số lượng huy chương vàng mà họ đạt được.

Bóng đá luôn được xem là môn thể thao quan trọng nhất ở đấu trường SEA Games. Thậm chí, giới làm nghề ở khu vực vẫn luôn nói rằng họ sẵn sàng đánh đổi tất cả những tấm HCV giành được để ra về chỉ với duy nhất 1 HCV môn bóng đá nam.

Cứ cho đấy là suy nghĩ tiêu cực cũng được, vì chính những quốc gia góp mặt ở ngày hội thể thao Đông Nam Á từ lâu đã mặc định như thế, thành ra muốn thay đổi thói quen cũng rất khó. Đội tuyển bóng đá quốc gia trước đây hay đội U.23 bây giờ vẫn nhận được sự ưu ái đặc biệt của giới truyền thông khu vực, trước trong và sau khi một kỳ SEA Games diễn ra.

Món ăn tinh thần này, trên thực tế luôn thu hút được đông đảo sự quan tâm từ nhiều phía, từ giới chức thể thao đến các cơ quan ngôn luận lẫn người hâm mộ. Cũng dễ hiểu bởi lẽ bóng đá gần gũi, dễ tiếp nhận và dễ khơi dậy niềm đam mê cuồng nhiệt đối với mọi đối tượng.

Thế nhưng, bóng đá không phải là tất cả, không thể là môn thể thao quyết định sự thành bại cũng như mức độ phát triển của một nền thể thao ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Nền tảng của thể thao được xây đắp từ nhiều hình thức khác, khởi nguồn với điền kinh – môn chơi vẫn được xem là “cơ bản của mọi môn cơ bản khác”.

Đánh giá sự thịnh vượng của một nền thể thao trên thế giới, người ta dựa vào sự thăng tiến của điền kinh, bơi lội, TDDC, bắn súng, bóng chuyền, bóng bàn, xe đạp, đua thuyền, cử tạ… của quốc gia đó, chứ không hẳn chỉ nghiêng về bóng đá. Đấy là lý do dù Brazil, Italia, Đức, Pháp, Tây Ban Nha vô số lần vô địch World Cup về bóng đá, nhưng chưa từng được coi là quốc gia mạnh hàng đầu về thể thao. Mỹ, Nga, Anh hay giờ đây là thế lực mới như Trung Quốc mới được xem là hàng đầu trong mắt của người làm thể thao thế giới.

Trở lại với “ao làng” SEA Games, từ ý thức đánh giá sự phát triển của các nền thể thao trong khu vực của tờ Bangkok Post (Thái Lan) sau mỗi kỳ đại hội, rõ ràng dần dần thì giới làm nghề cũng phải thừa nhận đầu tư cho những môn thuộc nhóm cơ bản của Olympic mang tầm vóc lớn hơn so với chỉ tập trung cho riêng môn bóng đá hay những nhóm môn mang tính truyền thống vùng miền như pencak silat, chinlone, cầu mây, wushu, bi sắt, arnis…

Hai năm trước, thể thao Việt Nam xếp hạng 3 khu vực về thành tích ở nhóm môn Olympic (58 HCV), sau Thái Lan và Indonesia. Dựa vào đó, thể thao Việt Nam được đánh giá là nằm trong tốp đầu khu vực, mà không hề dựa trên tổng số 96 HCV mà chúng ta giành được ở tất cả các môn dự tranh tại SEA Games 2011. Đấy là một sự thừa nhận và rất giá trị.

SEA Games 27 đã khởi tranh, điều mà những nhà chuyên môn thể thao tâm huyết đặc biệt quan tâm chính là điền kinh, bơi lội, xe đạp, judo, taekwondo, bắn súng, cử tạ… sẽ thu hoạch được bao nhiêu HCV? Chỉ số thành tích đã tiệm cận với những sân chơi châu Á, thế giới hay chưa? Con số 80-85 HCV mà đoàn thể thao Việt Nam đặt ra trước lúc lên đường suy cho cùng chỉ mang ý nghĩa tham khảo.

Nếu Việt Nam giành được một nửa hoặc hơn một nửa trong số đó là HCV ở những môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic, thì mới chứng minh được vị thế của chúng ta so với các đoàn mạnh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore.

Myanmar có lấy ngôi toàn đoàn, hay quốc gia nào đó cố gắng bằng mọi giá để chiếm vị trí trong tốp đầu đi nữa thì cũng không quan trọng bằng thành quả mà họ thu về ở các môn điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bắn súng… được bao nhiêu.

Mặc dù SEA Games từ lâu đã bị đánh giá là cuộc chơi thiếu sòng phẳng, nên xem như ngày hội của làng thể thao khu vực, nhưng vẫn là cơ hội để Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia khẳng định rằng thể thao đang phát triển bền vững tại đây, theo đúng quy chuẩn của hệ thống Olympic. Thế thôi!

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục