Sáng 27-11, tại hội trường T78, TPHCM đã khai mạc Hội thảo khoa học “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức.
Thực trạng và nguyên nhân
|
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cách đây 15 năm đã chỉ rõ những yếu tố chính ảnh hưởng đến sáng tác các tác phẩm có giá trị cao. Đó là vấn đề chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ như vốn sống, năng lực sáng tạo, tài năng, tâm huyết… Nghị quyết đã đề ra những mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển việc sáng tác nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) có giá trị cao.
15 năm qua, hoạt động VHNT trong nước đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhà phê bình Vũ Quần Phương tóm tắt các thành tựu đó như sau: “Đã có một sự bùng nổ về số lượng tác giả, tác phẩm. Bước đầu xóa bỏ tình trạng phiến diện trong cách nhìn hiện thực, tệ đơn điệu nghèo nàn về hình thức biểu hiện. Bước tiến tự giác ấy chưa từng có trong tiến trình văn học nước nhà, mở ra nhiều khả năng cho phát triển, cho trưởng thành”.
Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đạt được, VHNT cũng đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng của nó. Nhà báo, nhà phê bình Dương Trọng Dật nêu lên một thực trạng: “Sau không khí sôi động của những năm đầu đổi mới, VHNT đã rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có… VHNT gần như đứng bên ngoài cuộc sống xây dựng và phát triển của đất nước, không gắn mình vào số phận của nhân dân. Số lượng tác phẩm sáng tác tỷ lệ nghịch với chất lượng. Tác phẩm nhiều nhưng tác phẩm có chất lượng cao quá hiếm hoi”.
Đi sâu hơn, nhà văn Chu Lai nêu ra một thực trạng trong sáng tác hiện nay. Theo ông, sáng tác có một đặc thù là cuộc sống càng phức tạp, càng ngổn ngang, nhiều gam màu lại càng là chất liệu tuyệt vời cho các tác giả. Ấy thế mà ở Việt Nam lúc này chất liệu, quặng cho nghệ thuật rất nhiều nhưng lại vắng bóng hẳn những tác phẩm xứng tầm.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến những vấn đề của VHNT trong nước hiện nay nằm ở tất cả yếu tố ảnh hưởng đến sáng tác được nêu ở trên. Về năng lực của đội ngũ sáng tác thì như khẳng định của PGS-TS Đào Duy Quát: “Chúng ta mới chỉ có đội ngũ văn nghệ sĩ có tài năng, năng khiếu chứ chưa có tài năng lớn, thiên tài”.
Công tác lý luận phê bình cũng là một vấn đề được quan tâm, nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết, suốt quá trình sáng tác của chị từ trước đến nay hầu như chẳng thấy bóng dáng nhà lý luận phê bình nào quan tâm góp ý. Điều này không chỉ gây nản lòng người sáng tác mà còn dẫn đến tình trạng lộn xộn như PGS-TS Đào Duy Quát nêu ra: “…Hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động VHNT cũng như xu hướng thả nổi không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng”.
Chính sách đãi ngộ đối với các tác giả cũng được coi là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch lạc trong phát triển VHNT. Nhà văn Đỗ Kim Cuông, thành viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, cho biết: “15 năm trước, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã chỉ rõ sự bất cập trong hệ thống lương bổng của người nghệ sĩ biểu diễn, nhuận bút của người sáng tác quá bèo bọt, không đủ nuôi sống ngòi bút, đời sống, nơi ăn chốn ở, môi trường hành nghề của nghệ sĩ quá khổ… Thế nhưng đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết”.
Gỡ bỏ sự gò bó của đề tài văn học
Một điều đáng chú ý là cuộc hội thảo lần này đã góp phần gỡ bỏ nhiều vấn đề trong sáng tác văn học hiện nay như sự gò bó của đề tài. Nhà văn Chu Lai cho rằng có một thời gian người viết quá lụy vào các thứ học thuật như hiện thực, hiện thực phê phán, huyền ảo, hiện đại, hậu hiện đại… trong khi bản chất của sáng tác là ở chỗ sự lay động mãnh liệt của nó. Một tác phẩm có độ lay động thì tự thân nó chứa tất cả phương pháp. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng nêu ra một vấn đề là chủ thể trong tác phẩm. Suốt một thời gian dài người ta quá khiên cưỡng vào vấn đề này, cho rằng để thu hút bạn đọc thuộc thành phần nào thì bắt buộc tác phẩm phải có thành phần đó. Theo ông: “Vậy Truyện Kiều có viết gì về người nông dân đâu mà bao năm qua người nông dân lại say mê tác phẩm đến như vậy”.
Vấn đề quản lý của đảng và nhà nước đối với sáng tác cũng được đề cập đến. Tuy nhiên, các đại biểu đã nhấn mạnh việc quản lý cần sự linh hoạt, phù hợp với tình hình mới. Nhà lý luận phê bình Mai Quốc Liên cho rằng đảng và nhà nước thay vì “cầm tay chỉ việc” thì nên quan tâm đến việc đề ra cảm hứng chủ đạo cho sáng tác. Các tác giả hiện nay, nhiều người sống cuộc sống thị thành chật hẹp, ẩm mốc, sống mòn trong kinh tế thị trường… Việc đưa ra cảm hứng chủ đạo trong sáng tác, hỗ trợ tác giả theo cảm hứng đó sẽ góp phần không nhỏ tạo nên những tác phẩm tốt. Điều này thực tế đã được thực hiện và rất thành công với các chuyến sáng tác Về nguồn, Trường Sa…
Sân khấu, điện ảnh - Dấu ấn cá nhân
Trong lĩnh vực điện ảnh, nhà biên kịch Hồng Ngát thẳng thắn: “Khó có tác phẩm điện ảnh thật sự có chất lượng nghệ thuật và tư tưởng cao, vì Luật Điện ảnh ra đời lâu rồi mà đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành việc đấu thầu sản xuất phim. Ba bộ phim điện ảnh được nhà nước duyệt từ năm 2011, được Bộ VH-TT-DL chỉ định thầu (Nhà tiên tri - kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất; Mỹ nhân - kịch bản: Văn Lê, Hãng phim Giải Phóng; Những đứa con của làng - kịch bản: Phạm Dũng, Hồng Ngát Phim), nhưng đến nay vẫn ách tắc không thể đưa vào sản xuất vì không được Bộ Tài chính cấp tiền. Chỉ vì chưa có thông tư hướng dẫn việc đấu thầu sản xuất phim, mà theo tôi được biết, năm 2012 còn 48 tỷ đồng cho sản xuất phim, năm 2013 có 45 tỷ đồng cho sản xuất phim, vậy mà không giải ngân được! Các hãng phim nhà nước không có phim dự thi, không có phim cho khán giả xem”.
Cũng theo nhà biên kịch Hồng Ngát: “Xao lãng đề tài đương đại, không dành cho nó sự quan tâm thích đáng cũng là góp phần khó tạo ra được tác phẩm hay. Không quan tâm, đầu tư, khuyến khích các tác phẩm bám sát hiện thực cuộc sống, làm tấm gương phản chiếu cuộc sống; dự báo, cảnh tỉnh trước các vấn đề của cuộc sống thì vô hình trung lâu nay chúng ta đi bằng một chân, tránh sao khỏi khập khiễng”. Ở lĩnh vực sân khấu, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng: “Người làm sân khấu lúc này đang ở trong trạng thái phân vân giữa mới và cũ”.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo lại bày tỏ sự băn khoăn về “Nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại hiện nay”. Theo ông, họa sĩ trẻ, thậm chí là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đua nhau khám phá, thử nghiệm “nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại” như một cơn lốc; tuy nhiên tính chuyên nghiệp và tính hoàn thiện chưa cao. Do vậy, nhà nước cần đầu tư sâu bằng cách đặt hàng với các đề tài thiết thực để phục vụ các cuộc vận động chính trị như: Môi trường và xã hội, lối sống gia đình… NSND Ứng Duy Thịnh khi nói về thực trạng ngành múa cho rằng: “Trên thực tế, tài năng múa đang bị thui chột dần, vì đa phần các đơn vị nghệ thuật công lập không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, phát huy tài năng của nghệ sĩ”.
Chia sẻ tại hội thảo, NSƯT Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho rằng: “Người sáng tạo nghệ thuật nói chung phải có bản lĩnh, sự tự trọng để khẳng định tài năng thật sự của mình. Về cơ chế chính sách, cơ bản, đến năm 2014 sẽ hoàn thiện”.
Hội thảo còn tiếp tục diễn ra vào hôm nay 28-11.
TƯỜNG VY - NHƯ HOA