Kết thúc chuyến thăm Ba Lan, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 nước châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định sự trân trọng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Không nghi ngờ gì nữa, chuyến thăm lần này là một thành công mới trong chính sách đối ngoại của ông Obama.
Nếu như chuyến thăm năm 2009 được xem là chuyến thăm mang tính chất “chào sân” với mục đích giảm nhiệt quan hệ căng thẳng với châu Âu xuất phát từ thời kỳ Tổng thống George W. Bush thì lần này, ông Obama có vẻ tự tin hơn. Trước chuyến đi, ông đã ghi điểm trong chính sách chống khủng bố bằng chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden, mối đe dọa không chỉ với Mỹ mà cả châu Âu và thế giới.
Trong khi đó, chiến dịch chống khủng bố thời kỳ Tổng thống Bush đã làm sứt mẻ rất nhiều quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, nổi bật là việc CIA bí mật lập nhà tù giam giữ nghi can Al-Qaeda trên khắp các nước châu Âu.
Thêm nữa, Tổng thống Obama đã thay đổi quan điểm rất lớn trong vấn đề hòa bình Trung Đông. Bài diễn văn của ông trước khi lên đường thăm châu Âu đã kêu gọi Israel lùi về đường biên giới trước năm 1967, điều mà từ trước tới nay Mỹ không hề đề cập nhưng lại tương đồng với quan điểm của đa số các nước châu Âu.
Tại hội nghị G8 ở Deauville, Pháp, ông Obama đã thành công khi thuyết phục được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cùng ký vào tuyên bố chung kêu gọi Tổng thống Libya Muammar Gaddafi từ chức. Đây là sự thay đổi 100% của Nga so với trước.
Tại Ireland, chuyến “trở về” cố hương của ông Obama được xem là cuộc vận động bầu cử mini khi có tới 40 triệu cử tri là người Mỹ gốc Ireland. Vì vậy, không có gì lạ khi ông Obama có hàng loạt hoạt động tiếp cận người dân Ireland, trong đó có một buổi cùng uống bia với cư dân ở Moneygall, nơi sinh cụ cố 4 đời của ông.
Phát biểu tại Hạ viện Anh, ông Obama tự hào rằng ông là con cháu của một người Kenya từng làm đầu bếp trong quân đội Anh. Còn tại Ba Lan, ông cho rằng ông là một phần của Ba Lan vì ông sinh sống ở Chicago, nơi có đông đảo cộng đồng người Mỹ gốc Ba Lan. Yếu tố nguồn gốc đã được ông Obama tận dụng triệt để cho mục đích thắt chặt quan hệ đồng minh.
Có lẽ một trong những điều khiến ông Obama thấy tiếc nuối trong chuyến thăm này là chưa có một cam kết cụ thể nào cho các nước Arab và Bắc Phi - những nước mà Washington đang cổ súy cho các cuộc “thay đổi dân chủ”. Ông Obama và các lãnh đạo châu Âu đã không thể đưa ra các gói viện trợ cụ thể nào, nhất là đối với Ai Cập và Tunisia. Những khó khăn tài chính ngay tại châu Âu và Mỹ càng làm triển vọng viện trợ các nước này thêm xa vời.
Dù sao đi nữa, chuyến công du của Tổng thống Obama tới châu Âu có thể giúp ông phần nào đánh bóng tên tuổi của mình và củng cố quan hệ liên minh truyền thống. Trở về nước, ông Obama phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như thất nghiệp, thâm hụt ngân sách...
Bên cạnh đó là một Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm giữ vẫn luôn gây khó khăn cho các chính sách của Nhà Trắng. Lịch sử cho thấy, một tổng thống Mỹ thành công về chính sách đối ngoại nhưng yếu kém trong giải quyết những vấn đề quốc nội vẫn có thể thất cử. Là người được kỳ vọng nhiều khi mới đắc cử, hơn ai hết, ông Obama có lẽ không muốn lặp lại thất bại của các vị tiền nhiệm, nhất là trong lúc cuộc tổng tuyển cử Mỹ đang đến gần.
Thụy Vũ