Địa bàn giáp ranh - Rào cản vô hình

Trong dịp cuối năm, các địa phương mở nhiều đợt cao điểm chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán, vì vậy mà người dân TPHCM không ít lần chứng kiến những cảnh “cười ra nước mắt”.

Trong dịp cuối năm, các địa phương mở nhiều đợt cao điểm chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán, vì vậy mà người dân TPHCM không ít lần chứng kiến những cảnh “cười ra nước mắt”.

Thực tế bao năm nay, các địa phương thực hiện công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường vẫn gặp phải không ít khó khăn. Ngoài việc ngoan cố không chấp hành quy định, việc các đối tượng vi phạm luôn lợi dụng điểm giáp ranh giữa các phường, các quận để đối phó với lực lượng chức năng cũng ngày càng phổ biến. Đơn cử như những ngày gần đây, khi Đội Trật tự đô thị của UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) ra quân đi kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và chấn chỉnh tình trạng hàng rong chiếm dụng lòng lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (khúc giao với Lương Hữu Khánh) thì những người bán hàng rong nhanh chóng đem bàn ghế nhựa ra đặt lên trên hàng rào hoặc đặt ngang chiếc bàn để chân xuyên qua hàng rào dải phân cách giữa đường rồi bản thân thì tránh đi nơi khác. Vì đây là ranh giới với  phường 5 (quận 3) nên lực lượng của phường Phạm Ngũ Lão đành bó tay, không thể xử lý. Việc người dân dùng cách này để đối phó với cơ quan chức năng không chỉ thể hiện sự chống đối mà còn gây nguy hiểm cho xe cộ qua lại nếu chẳng may va quẹt vào chân bàn, ghế.

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở trước công viên Lê Thị Riêng (đường Cách Mạng Tháng Tám), khi Đội Trật tự đô thị của phường 11, quận 3 đi xử lý các xe đẩy bán ốp lưng điện thoại, túi xách, bánh tráng trộn và trái cây vi phạm lấn chiếm lòng đường thì họ chạy ra đứng giữa đường, tạo thành “dải phân cách bất đắc dĩ” giữa phường 11 và phường 15 (quận 3).

Cũng vì lý do lợi dụng ranh giới giữa 2 địa phương mà hồi đầu tháng 10, trên dải phân cách trên đường Nguyễn Văn Cừ (ranh giới giữa quận 1 và quận 5) thường xuyên xuất hiện một phụ nữ dắt theo 2 đứa trẻ đi ăn xin. Người dân phát hiện đối tượng này và đã gọi báo với cơ quan chức năng của hai quận trên nhưng cả hai đều cho rằng điểm đó không thuộc địa bàn quận mình. Kể từ đó tới nay, đối tượng nói trên thỉnh thoảng lại về ranh giới đó để ngồi xin tiền. Một vị chủ tịch phường thuộc quận 2 đã từng tỏ ra bất lực trong các đợt cùng lực lượng trật tự đô thị phường đi chấn chỉnh tình trạng buôn bán gia cầm sống trái phép trên địa bàn. Cũng vì là điểm giáp ranh nên họ từng bị những đối tượng buôn bán gia cầm trái phép chạy sang phường bên rồi tỏ thái độ thách thức, dọa nạt, lăng mạ lãnh đạo phường này.

Trong thực tế, ranh giới giữa các phường, các quận huyện, kể cả ranh giới giữa TPHCM với các tỉnh khác đã trở thành rào cản vô hình trong việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường cũng như trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm. Chẳng lẽ, chúng ta chịu “bó tay”, không tìm ra giải pháp?

PHƯƠNG LY

Tin cùng chuyên mục