Đĩa CD sắp vào viện bảo tàng?

Tháng 10 vừa qua đánh dấu 30 năm ngày ra đời album nhạc đầu tiên dưới dạng compact disc, vẫn thường được gọi tắt là CD. Đó là album của nam ca sĩ Billy Joel với tựa đề 52nd Street và sau đó đoạt giải Grammy dành cho album hay nhất trong năm. Thay thế cho đĩa than, CD trở nên cực thịnh, phát triển song song với ngành công nghiệp giải trí.

CD ngự trị trên đỉnh cao với số lượng phát hành trên toàn thế giới lên đến hàng tỷ đĩa mỗi năm. Một ngôi vị bá chủ tưởng chừng không gì có thể đe dọa. Tuy nhiên, 3 thập niên sau, mạng internet lại thay đổi toàn bộ cục diện, tác động sâu sắc đến cung cách tiêu thụ các sản phẩm văn hóa.

Các bạn trẻ lớn lên vào những năm 1980 nếu muốn sưu tầm các album ca nhạc, phải sắm cho mình một kệ tủ lớn để chứa đĩa CD. Giờ đây, thế hệ trẻ yêu nhạc không còn bận tâm với vấn đề lưu trữ khi âm thanh đã trở thành phi vật thể (dưới dạng mp3). Hàng ngàn bài hát thu gọn trong một thư viện âm nhạc bỏ túi, tải vào điện thoại thông minh, hai tai đeo máy nghe nhạc, ngón tay lướt trên màn hình cảm ứng. CD vì thế trở nên “cổ xưa”. Với việc phát hành trực tuyến, người tiêu dùng không còn cần phải ra mua ở các tiệm băng đĩa mà chỉ cần truy cập mạng để tải nhạc về máy, vô cùng tiện lợi.

Internet còn có một lợi thế nữa xét về mặt tư duy sáng tạo và phát hiện tài năng mới. Rất nhiều các tài năng thế hệ 2.0 dùng internet để giới thiệu các sáng tác của họ. Các tài năng mới xuất hiện như Justin Bieber là do các cư dân mạng khám phá trước, các hãng đĩa khi thấy có khả năng kiếm lời mới tiếp bước theo sau. Ngoại trừ trường hợp của Rihanna và giọng ca hiện tượng Adele, có rất ít tên tuổi và tài năng do các hãng đĩa lớn dựng bệ phóng đưa họ đến thành công.

Thị trường CD càng lúc càng xuống dốc nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy đã chạm đáy. Liệu CD có nguy cơ biến mất, cùng chung số phận của đĩa than và băng cassette? Những người bi quan nhất đánh giá: sớm muộn gì thì CD sẽ được đưa vào viện bảo tàng. Còn ý kiến lạc quan thì cho rằng: các nhà sản xuất phải tìm cách tăng thêm giá trị của sản phẩm để tạo ham muốn sở hữu nơi người mua.

Người tiêu dùng chỉ thích sưu tầm lưu trữ khi CD có những yếu tố mà âm thanh phi vật thể không có. Bằng chứng là đĩa nhựa, tuy không còn được bán nhiều như trước nhưng lại trở thành một sản phẩm thời thượng đối với giới sưu tầm. Chỉ có những CD có giá trị nhất định, giờ đây mới được in thành đĩa nhựa.

Hiện giờ, có khoảng 300 triệu CD vẫn được bán hàng năm thay vì hàng tỷ như trước đây. Nhiều người hy vọng rằng CD có hy vọng tồn tại ít nhất là vài thập niên và cũng như đĩa nhựa sẽ không hoàn toàn biến mất, cho dù chính ngành công nghiệp giải trí đã chọn sự đào thải làm quy luật tự nhiên.

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục