Những ngày qua, lượng bệnh nhi và người già mắc các bệnh hô hấp, sốt xuất huyết, thậm chí cả dịch tả nhập viện tăng trở lại sau khi tạm lắng trong 2 tháng qua. Đáng nói, đã có thêm trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và dịch tả khiến không ít người dân lo lắng. Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM và một số bệnh viện lớn ngày 10-12 cho thấy các nơi đang gồng mình đối phó nhiều dịch bệnh.
- Nhập viện tăng
Mới 7 giờ sáng nhưng khoa Khám bệnh của BV Nhi đồng 1 TPHCM đã ngập tràn bệnh nhi chờ đến lượt khám. Ôm đứa con nhỏ 6 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt, chị Phương (ngụ huyện Bình Chánh) than thở: “Trời mới se lạnh 3 ngày qua mà cháu đã lên cơn ho sù sụ rồi. Hôm trước thấy sốt nhẹ, ai ngờ mới qua một ngày mà bệnh cháu trở nặng”.
Vừa nói, chị Phương vừa vỗ về đứa con nhỏ đang ho từng cơn, đàm trong cổ họng ứ lại kêu rù rù. Cùng hoàn cảnh, hàng loạt bà mẹ khác cũng không khỏi lo âu trước bệnh cảnh của con mình. Qua ghi nhận cho thấy phần lớn các cháu mắc các bệnh hô hấp, sốt xuất huyết, viêm não.
Theo một bác sĩ khoa Khám, những ngày gần đây lượng bệnh nhi đến khám tăng cao hơn tuần trước, riêng bệnh đường hô hấp đang tăng rất nhiều. Thực tế, khoa Điều trị nội trú bệnh hô hấp BV Nhi đồng 1 cũng đã quá tải trong những ngày qua khi lên tới 200 - 230 bệnh nhi thường trực, trong khi số giường chỉ khoảng 100 cái. Những loại bệnh hô hấp được các bác sĩ cho biết trẻ dễ mắc phải là viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn… Không những vậy, tình hình bệnh nhi mắc dịch sốt xuất huyết nhập BV Nhi đồng 1 cũng chưa giảm, trong đó phần lớn các cháu đến từ các tỉnh ĐBSCL…
Tương tự, tại BV Nhi đồng 2 TPHCM sáng 10-12, các khoa như Khám bệnh, Hô hấp, Tiêu hóa… đều đông nghẹt bệnh nhi. Thậm chí cả khoa Khám dịch vụ cũng có hàng dài cháu nhỏ chờ đến lượt khám. Một bác sĩ cho biết, thay vì khám khoảng 60 - 70 cháu/ngày, nay mỗi ngày một bác sĩ khám không dưới 100 cháu. Tại khoa Tiêu hóa, sau khoảng 3 tháng tạm lắng, đến nay nhiều trẻ bị mắc tiêu chảy cấp nhập viện và đang được tích cực điều trị. Một bác sĩ cho biết, tình hình ô nhiễm môi trường, thức ăn không an toàn khiến nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ đang tăng cao. Theo thống kê sơ bộ, những ngày qua, BV Nhi đồng 2 khám không dưới 3.000 cháu/ngày và rất nhiều trong số đó được chỉ định nhập viện.
Trong khi đó, Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính từ đầu năm 2010 đến nay, khu vực phía Nam có hơn 64.800 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 65 ca tử vong. Nguy hiểm hơn, dịch bệnh này đã lan rộng đến 16/20 tỉnh, thành phía Nam và nhiều tỉnh có số ca tử vong tăng như An Giang, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Tháp… Cũng theo Viện Pasteur TPHCM, dịch sốt xuất huyết ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp với hơn 500 ca mắc mới nhập viện mỗi tuần, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2009. Bên cạnh bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, số lượng người lớn mắc phải cũng gia tăng.
- Không thể lơ là
Sau trường hợp một cháu bé ở huyện Bình Chánh, TPHCM tử vong do mắc dịch tả cùng với 2 trẻ khác phải nhập viện vì dịch bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã yêu cầu các địa phương thắt chặt kiểm soát dịch bệnh. Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, các khu vực tập trung nhiều nhà trọ bị ô nhiễm môi trường trầm trọng là nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, tại khu vực mà 3 trẻ nhiễm dịch tả nói trên cư ngụ ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh là khu lao động với khoảng 100 hộ dân sinh sống. Gia đình các bệnh nhi này đi tiêu tiểu bằng cầu tiêu tự chế dọc mé kênh, nước thông ra sông.
Theo các chuyên gia y tế, ở vùng sông nước, việc chặn đứng phẩy khuẩn tả có thể đã phát tán ra sông là rất khó khăn. Còn nhớ, tại ổ bệnh tả trước đó ở xóm ghe ven kênh quận 7 (TPHCM) với gần chục người mắc phải cũng sinh sống trong điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh trên sông nước. Đặc biệt, trẻ em vốn có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với thời tiết, môi trường và thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên khả năng nhiễm bệnh cao. Trong khi đó, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho rằng thực phẩm không an toàn, quá nhiều độ đạm và không hợp lý hiện nay không chỉ gây nguy cơ béo phì cho trẻ nhỏ mà còn dễ nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy cấp. Thậm chí, theo BS Diệp, những bữa tiệc cuối năm quá dư thừa độ đạm cũng khiến bệnh tiêu chảy bùng phát.
Trước dịch sốt xuất huyết vẫn bùng phát, BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới TPHCM băn khoăn về công tác phòng ngừa. Mặc dù tuần qua, BV đã cấp cứu một trường hợp sốc nặng do sốt xuất huyết nhưng kết cục bệnh nhân vẫn tử vong do biến chứng xuất huyết dạ dày. Trước đó, BV Nhi đồng 1 TPHCM cũng phải lọc máu liên tục để cứu sống một trường hợp sốc sốt xuất huyết suy đa cơ quan nặng. Mặc dù việc điều trị sốc sốt xuất huyết đạt nhiều tiến bộ, phần lớn các trẻ được điều trị khỏi sốc và phục hồi nhưng theo BS Ngọc, một số trường hợp có biểu hiện suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu… gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị. Không chỉ số người mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng mà biến chứng nặng cũng đáng quan ngại.
Trước tình hình dịch bệnh bủa vây dịp cuối năm, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch, không để ổ dịch lây lan ra cộng đồng, nhất là đối với dịch tả đang có chiều hướng quay trở lại. Đồng thời, sở đề nghị các quận huyện tăng cường biện pháp truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các nguồn nước sinh hoạt để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan do nguồn nước
TƯỜNG LÂM