Mặc dù đại dịch cúm A/H1N1 không còn ồ ạt, nhưng với việc ghi nhận số người mắc có chiều hướng gia tăng gần đây ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, khiến nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này tái phát lớn rất cao. Có thể nói, dịch cúm A/H5N1 ở người, cúm gia cầm, liên cầu khuẩn ở heo tiếp tục rình rập do mất an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Tân Mão tăng cao…
Cảnh giác cao với dịch cúm
Sau khi Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ bị nhiễm cúm A/H1N1 du lịch nước ngoài về, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cảnh báo, người dân phải cảnh giác trước các biểu hiện của bệnh cúm, nhất là trong điều kiện thời tiết đang rét đậm, rét hại dài ngày. Hơn nữa, hiện nay nhiều nước trên thế giới và khu vực như: Anh, Pháp, Croatia, Hàn Quốc đã ghi nhận số người mắc bệnh cúm A/H1N1 gia tăng, trong đó có không ít trường hợp như tại Anh với trên 100 ca tử vong do cúm.
Trong khi đó, ở trong nước, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, số ca mắc cúm A/H1N1 chủng đại dịch phát hiện được qua hệ thống giám sát cúm quốc gia (15 điểm trên toàn quốc) có chiều hướng tăng lên, trung bình 1-3 ca/tháng so với trước đó vài tháng (cả nước mới ghi nhận 1 trường hợp mắc).
Hiện nay, số ca mắc cúm A/H1N1 chiếm khoảng 10% trong số các trường hợp mắc cúm. Điều tra dịch tễ cho thấy, các trường hợp mắc cúm A/H1N1 gần đây đều ở trong tình trạng nhẹ, với các biểu hiện ho và sốt, hơn nữa chủng virus H1N1 vẫn không có sự biến nguy hiểm hơn với loại virus đã gây ra dịch trước đây.
Mặc dù vậy, theo TS Nguyễn Văn Bình, Bộ Y tế cần yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác xét nghiệm, điều tra kiểm soát dịch, kịp thời cách ly và bao vây ổ dịch cúm A/H1N1 nếu có để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Về phía người dân trong những ngày giá rét phải giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh cá nhân, khi có biểu hiện ho sốt nên tới ngay cơ sở y tế khám.
Không coi thường bệnh từ miệng vào
Cùng dịch cúm A/H1N1 đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1 ở người tiếp tục đe dọa. PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, trước tình hình buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm, thủy cầm tăng mạnh trong giai đoạn hiện nay, nhất là gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc thì nguy cơ tái phát cúm A/H5N1 ở người rất lớn.
Ngoài ra, thời tiết lạnh kéo dài, ẩm ướt vào cuối năm khiến các chủng virus cúm lây lan nhanh sang người. Dưới góc độ điều trị, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cho biết có không ít bệnh nhân tới viện khám điều trị, với triệu chứng của bệnh cúm nên để phòng ngừa nhiễm cúm A/H5N1 trong thời điểm giáp tết, người dân tuyệt đối không mua bán, vận chuyển và sử dụng gia cầm, thủy cầm chết, không rõ nguồn gốc.
Không chỉ nguy cơ dịch cúm đe dọa mà những ngày giáp tết, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện vẫn phải tiếp nhận trường hợp bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn ở heo, với những ca diễn biến khá nặng. Đặc biệt, bệnh viện đang điều trị một bệnh nhân nam 45 tuổi ở Hải Dương bị nhiễm liên cầu khuẩn suy đa tạng và phải cắt cụt cả 2 chân do bị hoại tử.
BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, bệnh liên cầu khuẩn ở heo rất nguy hiểm, vì có thể lây trực tiếp từ heo mắc bệnh sang người qua đường ăn uống hoặc hô hấp. Nếu ăn thịt heo chưa nấu chín hay tiết canh, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Đáng lo ngại hơn, trong số các bệnh nhân mắc bệnh này, có tới 20% số ca nặng, bị sốc nhiễm khuẩn nên việc điều trị rất khó và tốn kém, thậm chí có thể tử vong.
Hiện đang là thời điểm nhu cầu thực phẩm tăng cao, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn ở heo, bằng cách không ăn thịt heo chưa được nấu chín, không ăn tiết canh, nên sử dụng sản phẩm thịt heo đã được kiểm dịch và có nguồn gốc rõ ràng.
Hà Nội xuất hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên của năm 2011 Cùng với đó, đại dịch cúm A/H1N1 đang lan tràn tại 18 quốc gia châu Âu, với số người bị nhiễm chủng virus cúm này lên tới hàng trăm người mắc. |
KHÁNH NGUYỄN