Trẻ nhập viện tăng mỗi tuần
Những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải điều trị nội trú tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đang ngày càng gia tăng. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, hiện tại khoa này đang điều trị cho hơn 50 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 2 - 3 trẻ bệnh mức độ nặng, thậm chí một số trẻ phải thở máy. Tương tự, tại BV Nhi đồng 2, tính từ đầu tháng 8 đến nay đã có hơn 2.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám ngoại trú và 153 trẻ phải nhập viện. Bác sĩ Trần Thị Kim Vân, Phó Trưởng khoa Nhiễm, cho biết trung bình mỗi ngày, khoa này điều trị 30 ca bệnh tay chân miệng nội trú, trong đó có vài ca ở mức độ nặng.
Đến thời điểm này, các bác sĩ nhận định, dù bệnh tay chân miệng chưa có đột biến so với những năm trước, nhưng dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là khi học sinh vào mùa tựu trường. Thông thường, hàng năm có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát, đó là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Đây là những tháng trẻ đi học nên sự lây lan sẽ nhiều hơn, do đó số lượng trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn.
Còn theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, đến giữa tháng 8-2017, trên địa bàn TP đã ghi nhận 2.966 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhập viện lên tới trên 160 ca, tăng khoảng 20 ca so với các tuần trước đó. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, trước dự báo từ nay đến cuối năm số ca mắc tay chân miệng sẽ tăng cao, trung tâm đã tiến hành cấp phát hóa chất và yêu cầu các quận, huyện tổng vệ sinh trường học, phun hóa chất khử khuẩn, đảm bảo môi trường học đường sạch sẽ trước khi học sinh tựu trường.
Đừng chủ quan!
Đang được theo dõi tại phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, bé Huỳnh Thị Huyền Trân (3 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) được chẩn đoán mắc tay chân miệng ở thể nặng. Theo lời kể của chị Võ Thị Thủy, mẹ bé Huyền Trân, gần 10 ngày trước, bé có triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng; nghĩ rằng con bị nhiệt miệng nên chị không đưa đi bệnh viện mà chỉ ở nhà điều trị, cho uống nước mát theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên 3 ngày sau, bé bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, tay chân nhức, nổi mụn ở miệng nhiều, không ăn được, chỉ uống sữa, chị mới đưa con đến BV Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé Huyền Trân bị tay chân miệng ở thể nặng, phải điều trị cấp cứu.
Theo bác sĩ Trần Thị Kim Vân, đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là ở thể nhẹ, bệnh sẽ tự khỏi, chủ yếu là điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra biến chứng luôn tiềm ẩn, nên phụ huynh cần cảnh giác, theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở miệng… thì nên đưa vào bệnh viện kịp thời. Cũng theo bác sĩ Vân, bệnh tay chân miệng không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng dễ nhận thấy (như lở miệng, nổi ban tay chân…), mà nhiều trường hợp ban nổi kín đáo, bé chỉ sốt, quấy khóc, bỏ ăn, chảy nước dãi, hoặc biểu hiện thành một số triệu chứng khác (như rối loạn tiêu hóa, rối loạn hô hấp…) tùy thuộc vào tuýp virus, cơ địa của trẻ và diễn tiến bệnh. “Sợ nhất bị các biến chứng về thần kinh, lúc đó trẻ có những biểu hiện như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình chới với, run tay run chân, đi đứng loạng choạng… Nếu bệnh diễn tiến nặng thì trẻ có thể khó thở, ảnh hưởng tuần hoàn cơ thể, tim mạch, phải phụ thuộc vào máy thở”, bác sĩ Kim Vân cho hay. Đã có trường hợp bị biến chứng từ bệnh tay chân miệng, trẻ phải thở máy ở BV Nhi đồng 2 trong suốt 2 năm trời, sau đó tử vong.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý về việc đã xuất hiện những quan niệm sai lầm khi điều trị, chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng, như tự ý bôi thuốc không đúng, không vệ sinh tắm rửa cho trẻ thường xuyên vì sợ nhiễm nước, nhiễm gió… Trong khi, với trẻ mắc tay chân miệng thì cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường để tránh nhiễm trùng. Nếu các nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng thuốc để bôi miệng cho trẻ.
Các bác sĩ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Khử trùng thường xuyên các đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, các bề mặt bàn, ghế, tay nắm cửa…
Đã vô thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, nên dự báo bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, trường học. Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiêu hóa nên việc rửa tay với xà phòng là vô vùng quan trọng. Rửa tay với xà phòng dù không thể diệt được virus nhưng sẽ làm virus trôi đi, hạn chế việc mắc bệnh.
PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng