(SGGP).- Chiều 5-2, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã tổ chức họp tại Hà Nội về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tình hình cung ứng thực phẩm dịp Tết Quý Tỵ.
Theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại vào cuối tháng 1-2013 tại tỉnh Tây Ninh. Theo đó, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở 2 hộ gia đình tại thôn Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu và ấp Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Đến nay tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy tại Tây Ninh là 3.438 con.
Bên cạnh đó, thông báo của Bộ Y tế Campuchia cho biết, trong tháng 1-2013 đã xuất hiện 5 ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, trong đó 4 trường hợp đã tử vong. Nguy hiểm hơn, tất cả các địa phương có bệnh nhân tử vong vì cúm gia cầm tại Campuchia đều giáp đường biên giới Việt Nam, bệnh nhân ở xa nhất cách biên giới Việt Nam - Campuchia 30km.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, vào cuối tháng 1-2013, gà lậu loại thải Trung Quốc đã lác đác xuất hiện trở lại tại chợ Hà Vĩ, Thường Tín (Hà Nội). Mỗi ngày trung bình từ 1-2 tấn đổ từ các tỉnh biên giới về. Sau 2 tháng ra quân rầm rộ, hiện sự phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương lại có dấu hiệu lỏng lẻo. “Khi phát hiện gà lậu thải loại về chợ Hà Vĩ, tôi đã gọi điện thông báo cho Chi cục Thú y Hà Nội để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, Chi cục Thú y Hà Nội trả lời rằng trách nhiệm này không thuộc thú y mà thuộc Ban chỉ đạo 127 về chống buôn lậu TP Hà Nội” - ông Trọng bức xúc.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát vừa có công điện khẩn yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời, đặc biệt tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, khu vực giáp biên giới Campuchia, tổ chức lấy mẫu kiểm tra và xử lý đàn gia cầm nghi mắc cúm, hỗ trợ chủ chăn nuôi theo quy định.
Ph.Hậu