Dịch cúm gia cầm - Tích cực phòng ngừa, ngăn chặn

Quá nhiều “lỗ hổng”
Dịch cúm gia cầm - Tích cực phòng ngừa, ngăn chặn

Mối lo ngại dịch cúm gia cầm (DCGC) lan rộng đang đến gần khi diễn biến có xu hướng lặp lại giống như năm 2009 ở ĐBSCL khi dịch bùng phát ở Cà Mau đến Sóc Trăng rồi lan ra toàn khu vực. Các ổ DCGC và nguy cơ lây lan đang tập trung trên đàn vịt chạy đồng...

Gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan ở nhiều nơi. Ảnh: Q.KHÁNH

Gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan ở nhiều nơi. Ảnh: Q.KHÁNH

Quá nhiều “lỗ hổng”

Đầu tháng 3-2010, trong chuyến  thị sát tình hình phòng chống DCGC tại ĐBSCL, thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cùng đoàn công tác đã phát hiện nhiều “lỗ hổng” nguy hiểm trong phòng chống DCGC. Cụ thể, có xã báo cáo tiêm phòng vaccine cho 12.000/14.000 con gia cầm nhưng khi thẩm tra lại, xã có đến hơn 50.000 con gia cầm! Tương tự một tỉnh báo cáo tiêm phòng đạt 100% nhưng qua kiểm tra chỉ mới ở mức 20%! Con số thống kê tiêm phòng vaccine và thực tế chênh nhau rất lớn, tại sao có điều này? Không loại trừ khả năng địa phương chủ quan, báo cáo “cho có” nhưng một thực tế cũng làm nhiều cán bộ nông nghiệp bức xúc từ chuyện thống kê!

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ phân tích: Cơ quan tiến hành thống kê vào tháng 4 và tháng 10, cách nhau 6 tháng. Trong khi chu kỳ nuôi gia cầm chỉ có 2-3 tháng. Thậm chí trong 1 tháng có thể số gia cầm nuôi phát sinh thêm 10 lần!

Theo một cán bộ lãnh đạo Cục Thú y, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cán bộ xã, phường không biết chủ trương tiêm phòng bổ sung, cán bộ thú y xã không nắm được quy trình tiêm phòng!? Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Cà Mau thừa nhận: ý thức người nuôi chưa cao, khi có gia cầm bệnh, chết không báo cáo; việc tiêm phòng còn bỏ sót; tiêm phòng không đồng loạt theo kế hoạch; nông dân chủ quan không chú ý tiêm phòng…

Trong khi đó, cán bộ thú y ở Vĩnh Long và Cần Thơ lại cho rằng: Tiền hỗ trợ 100 đồng/liều vaccine tiêm phòng bổ sung là quá thấp. Cần phải nâng mức hỗ trợ này để động viên cán bộ thú y. Lực lượng cán bộ thú y mỏng, nên việc  quản lý các lò ấp trứng, lò giết mổ gia cầm vẫn còn nhiều bất cập.

Quản lý vịt chạy đồng

“DCGC đang tập trung trên đàn vịt chạy đồng. Cà Mau đã thu hoạch xong lúa mùa, sắp tới đàn vịt chạy đồng sẽ di chuyển sang các tỉnh khác, nếu quản lý không tốt DCGC sẽ lây lan” - Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần nhận định. Hiện áp lực kiểm soát đàn vịt chạy đồng đang đè nặng lên địa bàn Hậu Giang khi Cà Mau và Sóc Trăng hai địa bàn kề cận đều có vịt chạy đồng! Hậu Giang đã lập các trạm kiểm tra vận chuyển gia cầm trên bộ và đường thủy.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đề xuất: “Hiện các địa phương đã thực hiện cấp sổ theo dõi tiêm phòng cho người chăn nuôi. Khi kiểm tra nếu phát hiện vịt chạy đồng nhập vào địa bàn không có “giấy tiêm phòng vaccine” thì tịch thu và tiêu hủy”. Ý kiến này được nhiều tỉnh trong vùng đồng tình và kiến nghị liên kết thực hiện đồng bộ để ngăn chặn nguồn lây lan trên vịt chạy đồng!

Vịt chạy đồng ở ĐBSCL, tác nhân lây dịch cúm gia cầm khó kiểm soát.

Vịt chạy đồng ở ĐBSCL, tác nhân lây dịch cúm gia cầm khó kiểm soát.

Tại cuộc họp bàn các biện pháp phòng chống DCGC ở ĐBSCL, ngày 3-3, tại Cần Thơ, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu: “Các ban chỉ đạo phòng chống DCGC phải làm quyết liệt hơn trong tháng 3-2010. Mở chiến dịch tiêm phòng ngay trong vụ thu hoạch lúa đông xuân. Ưu tiên cấp vaccine cho ĐBSCL tiêm trên đàn vịt chạy đồng! Khi phát hiện vịt chạy đồng không có giấy tờ, phải cưỡng chế tiêm phòng và lấy mẫu đi xét nghiệm! Huy động mọi nguồn lực tập trung cho phòng chống và dập DCGC hiện nay”!

Cao Phong

Khó dự đoán diễn biến

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người vào chiều 3-3, như sau:

Từ đầu năm tới nay, cả nước đã có 3 người mắc cúm A/H5N1, trong đó có 1 ca tử vong. Đặc biệt qua điều tra dịch tễ các trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1 này đều có liên quan tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người nhận định: Dịch cúm A/H1N1 vẫn rất khó dự đoán diễn biến dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên với sự tồn tại cùng thời điểm cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 ở người và cúm gia cầm, cùng với thời tiết mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển, lan rộng.

Theo Bộ Y tế, người dân phải tuyệt đối thực hiện ăn chín, uống sôi, không sử dụng, tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm; đẩy mạnh giám sát DCGC, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch.

Q.Kh.

“Bảo bối” đáng tin?

Đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa đã tiêu hủy gần 10.000 con gia cầm bị nhiễm cúm chủng độc lực cao (HPAI) tại các xã Ninh Phụng, Ninh Hà (huyện Ninh Hòa), Vạn Phú, Vạn Lương (huyện Vạn Ninh). Báo cáo từ cơ quan thú y cho biết, tỷ lệ xét nghiệm bệnh phẩm từ các ổ dịch là 100% mang virus cúm gia cầm H5N1. Trên địa bàn tỉnh đã có người nhiễm cúm A/H5N1 và nguy cơ có người mắc bệnh từ gia cầm là rất cao.

Tại chợ Đầm (chợ đầu mối lớn nhất Khánh Hòa) khi chúng tôi đến hỏi mua gà, chủ hàng gà cho biết: Hiện nay người tiêu dùng thận trọng khi mua. Nếu gà không rõ nguồn gốc thì họ không mua. Để chứng minh số gà đang bày bán là gà “sạch”, chủ bán gà đưa cho chúng tôi xem tờ giấy có chứng nhận tiêm phòng vaccine cúm gia cầm của thú y xã và bảo gà có “nguồn gốc đàng hoàng”. Nội dung của giấy chứng nhận này có ghi số lượng gà được tiêm phòng dịch cúm gia cầm lần 2 vào tháng 10-2009, số lượng là 70 con, nguồn gốc xuất xứ là ở huyện Ninh Hòa, nơi đang có dịch cúm gia cầm.

Chủ hàng cũng cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 30-50 con gà sống, nguồn gốc gà chủ yếu nhập từ một đầu mối ở huyện Ninh Hòa. Khi có người hỏi mua, chị chỉ cần đưa ra tờ giấy chứng nhận tiêm phòng làm “bảo bối”.

Được biết, trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương xây dựng các lò mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa đâu vào đâu. Trong khi đó, trong mấy năm qua, tỉnh Khánh Hòa là địa phương thường xuất hiện các ổ dịch gia súc và gia cầm.

V.Ngọc

Tin cùng chuyên mục